ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Thúc đẩy Hợp tác Công-Tư và Lồng ghép giới trong Ngành Trồng trọt tại Khu vực ASEAN

02/ 10/ 2020

Tự do di chuyển hàng hóa và dịch vụ chính là mục tiêu trọng điểm của ASEAN và là nền tảng của thị trường chung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Trong số đó, ASEAN luôn cố gắng củng cố vị thế là nhà sản xuất “thực phẩm sinh học” phù hợp với các tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế về chất lượng và tính bền vững. Tại nhiều Quốc gia Thành viên ASEAN, bao gồm các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, nông nghiệp là một ngành có tầm quan trọng về kinh tế và cung cấp sinh kế cho người dân. Ngành nông nghiệp cũng đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh hội nhập khu vực, được nêu trong Kế hoạch Chiến lược Hợp tác ASEAN về Lương thực, Nông nghiệp và Lâm nghiệp (SP-FAF) 2016-2025 và Kế hoạch Chiến lược Hành động Hợp tác ASEAN về Cây trồng (SPA-Crops) 2016-2020.

Một mặt, SP-FAF tạo thuận lợi cho thương mại nội khối và ngoại khối ASEAN thông qua nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp và hợp tác giữa các Quốc gia Thành viên, thì SPA-Crops tập trung vào việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn và thực hiện các chương trình công nhận và chứng nhận. Tuy nhiên, việc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng ở ASEAN vẫn còn hạn chế và làm giảm cơ hội thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và mở rộng ra các thị trường trong và ngoài khu vực.

Trong khuôn khổ chính sách của ASEAN, hợp tác và đối tác với khu vực tư nhân được công nhận là một giải pháp quan trọng để góp phần nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và đảm bảo tính bền vững và bao trùm của ngành nông nghiệp. Hơn nữa, để hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, các Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) đã nhận thấy sự cần thiết phải lồng ghép quan điểm và phân tích giới trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch và chương trình về Lương thực, Nông nghiệp và Lâm nghiệp ở ASEAN, phù hợp với các cam kết được nêu trong Tuyên bố ASEAN về thực hiện các giải pháp có lồng ghép yếu tố giới trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Năm 2018, Hội nghị AMAF lần thứ 40 đã thông qua Phương pháp lồng ghép giới của AMAF trong các lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp, cung cấp hướng dẫn về lồng ghép giới. SPA-Crops cho giai đoạn 2021-2025 hiện đang trong quá trình dự thảo. Điều này tạo cơ hội cho các Quốc gia Thành viên ASEAN thảo luận và xem xét các hoạt động mới, góp phần hiện thực hóa kế hoạch hoạt động, trong đó bao gồm chủ đề về hợp tác giữa khu vực công và tư, và lồng ghép giới.

Photo: Đại diện Ban Thư Ký PSAV và Nhóm Công tác PPP về Rau quả tham dự Hội thảo Trực tuyến Khu vực 

Ngày 30 tháng 9 năm 2020, Hội thảo Khu vực về Thúc đẩy Hợp tác và Đối tác Công-Tư và Lồng ghép Giới trong Ngành Trồng trọt của ASEAN đã được tổ chức để thảo luận và xác định các lĩnh vực có thể thúc đẩy triển khai hợp tác công - tư PPP và lồng ghép giới.

Sự kiện có sự tham gia của 50 đại diện của Nhóm Công tác ASEAN về cây trồng (ASWGC), Thành viên/Đầu mối Ban Chỉ đạo Dự án ASEAN AgriTrade, Ban Thư ký ASEAN (Ban Nông nghiệp và Lâm nghiệp), các đại diện của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ, cũng như đại diện từ các nhóm công tác ASEAN liên quan, chuyên gia và các cơ quan phát triển liên quan khác.

Ban Thư ký của Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV) đã tham dự hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác và đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực trồng trọt, bao gồm các vấn đề và thách thức của PPP.

Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu và thiết lập hiểu biết chung giữa các Quốc gia Thành viên ASEAN, đặc biệt là các đối tác của dự án ASEAN AgriTrade, về hợp tác và đối tác giữa các khu vực công và tư thông qua quan hệ đối tác công tư (PPP), và lồng ghép giới trong lĩnh vực trồng trọt; chia sẻ các trường hợp điển hình trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác công tư và lồng ghép giới trong ngành trồng trọt, cũng như các dự án và sáng kiến có liên quan hiện có của các Quốc gia Thành viên ASEAN; thảo luận và xác định các lĩnh vực và hoạt động hỗ trợ thúc đẩy và thực hiện hợp tác và đối tác công tư, và lồng ghép giới trong ngành trồng trọt của ASEAN.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Dự án Hợp tác giữa ASEAN-Đức, “Thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững trong ASEAN” (ASEAN AgriTrade), được khởi xướng với mục tiêu cải thiện các khung pháp lý để thực hiện các tiêu chuẩn bền vững trong các chuỗi giá trị nông sản tại khu vực ASEAN. Dự án do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) ủy quyền và được thực hiện với sự hợp tác của các Quốc gia Thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN ở cấp khu vực ASEAN và ở cấp quốc gia tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, dưới sự chủ trì của Nhóm Công tác ASEAN về cây trồng (ASWGC). Dự án hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân như thông qua hình thức đối tác công tư (PPP) và đối thoại, đánh giá các bài học kinh nghiệm về PPP, và phát triển các bộ công cụ để thúc đẩy thực hiện PPP. Dự án cũng cam kết thúc đẩy lồng ghép giới, đổi mới và số hóa trong chuỗi giá trị ngành trồng trọt

Tại Việt Nam, Dự án sẽ phối hợp cùng Cục Trồng trọt, Nhóm Công tác PPP về Rau Quả thuộc PSAV triển khai một số mô hình, sáng kiến hợp tác giữa Khối Công và Khối Tư trong phát triển các mô hình chuỗi rau quả bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn ngành hàng, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu./.