Thủy sản
Thông tin chung về ngành hàng
Năm 2024, ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận thành công ấn tượng với giá trị xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra, mực và bạch tuộc đều có mức tăng trưởng tích cực. Cụ thể, tôm đạt 4 tỷ USD (tăng 16,7%), cá ngừ gần 1 tỷ USD (tăng 17%), cá tra 2 tỷ USD (tăng 9,6%), và mực, bạch tuộc ước đạt trên 600 triệu USD. Ngành thủy sản không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc dân, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Với kim ngạch xuất khẩu từ 9 đến 11 tỷ USD mỗi năm, Việt Nam tự hào đứng thứ 3 trên bản đồ thủy sản thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy.
Những con số ấn tượng này cho thấy ngành thủy sản Việt Nam đang phát triển đúng hướng, chú trọng vào việc nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp trong ngành ngày càng mạnh mẽ áp dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi trồng và chế biến, không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu. Những bước tiến này khẳng định vị thế vững chắc của ngành thủy sản Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Mặc dù có tăng trưởng mạnh trong những năm gần đâu nhưng ngành thủy sản còn một số hạn chế. Nhiều diện tích nuôi phân tán, thiếu quy hoạch, việc quản lý giống và tạo chọn giống kém hiệu quả, chất lượng con giống ngày càng thấp. Thức ăn chăn nuôi phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp nước ngoài. Dịch bệnh thường xuyên xảy ra; ô nhiễm môi trường vùng nuôi ngày càng trầm trọng. Liên kết giữa các tác nhân trong ngành kém; hiện chưa có mô hình liên kết nào thành công. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng nhu cầu của việc nuôi thả và vận chuyển thu hoạch (hệ thống điện, cấp thoát nước, vận chuyển…). Nhiều sản phẩm như cá tra, tôm xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Cơ cấu tổ chức, mục tiêu:
Công tác đối tác công tư ngành thủy sản hiện nay phát triển dựa trên cơ sở của Thỏa thuận hợp tác công tư hỗ trợ phát triển thủy sản bền vững tại Việt Nam được ký kết giữa 7 bên gồm có: Tổng cục Thủy sản, GIZ, VASEP, VINAFISH, IDH, WWF, VIFEP vào ngày 9/9/2015 có hiệu lực từ ngày ký đến 31/12/2020. Tiếp đó, tại Quyết định số 4858/QĐ-BNN-HTQT ngày 01/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Nhóm PPP Thủy sản được thành lập và trực thuộc Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV), theo đó Tổng cục Thủy sản (này là Cục Thủy sản) là Chủ tịch, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) là Đồng chủ trì Nhóm công tác.
Để thu hút sự quan tâm tham gia của các tổ chức, cá nhân vào các hoạt động những nhóm ngành hàng thủy sản chủ lực theo hướng phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, năm 2023 Tổng cục Thủy sản đã có thư ngỏ gửi đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mời tham gia nhóm đối tác. Kết quả, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, đơn vị. Ngày 28/3/2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã chính thức ban hành Quyết định số 119/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT thành lập các tiểu nhóm công tác thuộc PPP Thủy sản, gồm 06 tiểu nhóm công tác: (1) tiểu nhóm công tác ngành hàng Tôm; (2) tiểu nhóm công tác ngành hàng cá Tra; (3) tiểu nhóm công tác ngành hàng cá Ngừ; (4) tiểu nhóm công tác Môi trường thủy sản; (5) tiểu nhóm công tác ngành hàng Rong – Tảo biển; (6) tiểu nhóm công tác ngành hàng Nuôi biển.
Mỗi Tiểu nhóm công tác ngành hàng có cơ cấu cơ bản gồm 01 Đồng chủ trì khối công là Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản); Đồng chủ trì khối thúc đẩy thường là 01 tổ chức quốc tế/phi chính phủ có mối quan tâm và nguồn lực muốn tập trung phát triển cho ngành hàng thủy sản và Đồng chủ trì khối tư, các thành viên là các doanh nghiệp
Kết quả chính đạt được:
Nếu như Thỏa thuận hợp tác công tư hỗ trợ phát triển thủy sản bền vững tại Việt Nam trước đây đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển ngành, nhưng ở quy mô mức độ còn nhỏ lẻ, chưa gắn kết được hoạt động của các đối tác với nhau để tạo nên nguồn lực tập trung, thì những năm gần đây, Nhóm PPP Thủy sản có sự đồng hành, tập trung nguồn lực cần thiết cho việc đầu tư, giải quyết các vấn đề, khó khăn, thách thức chung của ngành thủy sản, trong đó tập trung nhiều hơn vào các vấn đề về chính sách, nhằm hướng tới ngành sản xuất hàng hóa bền vững, có trách nhiệm với môi trường, xã hội; nâng cao vị thế cạnh tranh của ngành hàng thủy sản Việt Nam và đạt được một số kết qủa nổi bật sau:
1. Kết quả của tiểu nhóm công tác PPP ngành hàng tôm và tiểu nhóm ngành hàng cá tra
- Các đồng trưởng nhóm khối thúc đẩy là GIZ và IDH đã hỗ trợ ngành Thủy sản tổ chức nhiều cuộc hội thảo về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn: Thúc đẩy hợp tác công tư - kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải trong chế biến thủy sản (cá tra, tôm) tại Cần Thơ; Bảo vệ môi trường trong chế biến thủy sản tại Hải Phòng; Kinh tế tuần hoàn trong chuỗi sản xuất từ nuôi trồng đến chế biến thủy sản tại TP.Hồ Chí Minh. Nội dung các hội thảo tập trung vào các nội dung: xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng lộ trình giảm phát thải trong sản xuất thủy sản; định hướng các công nghệ xử lý chất thải, phế phụ phẩm thủy sản, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất thủy sản;…
- Trong khuôn khổ PPP, đồng trưởng nhóm khối công (Cục Thủy sản), đồng trưởng nhóm khối thúc đẩy (IDH) và các thành viên khối tư như Dehus, các công ty nuôi cá tra đã có nhiểu buổi làm việc (tại Cục thủy sản, tại Cần Thơ…) để thảo luận các nội dung đổi mới sáng tạo về kỹ thuật, đổi mới sáng tạo trong liên kết chuỗi trong khuôn khổ hợp tác công tư PPP về thủy sản – gắn kết các bên từ khâu sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cá tra – nhằm giảm thiểu phát thải từ ngành cá tra xuyên suốt theo chuỗi.
- Năm 2024, tiếp tục phối hợp với Cục Thủy sản trong xây dựng và phê duyệt dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững (i4A)”. Dự án được được thực hiện tại Sóc Trăng, Cà Mau với định hướng tập trung về nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đưa vào thử nghiệm thực tế các kỹ thuật nuôi tiên tiến, đổi mới trong nuôi tôm…
2. Kết quả của tiểu nhóm công tác PPP ngành hàng cá ngừ
- Từ các năm 2022, 2023 trong khuôn khổ dự án "Cải thiện nghề khai thác cá ngừ đại dương Việt Nam" (Dự án Tuna FIP), WWF Việt Nam đã hỗ trợ Cục Thủy sản trong một số nghiên cứu cũng như giúp tuyên truyên phổ biến các nội dung liên quan đến chứng nhận MSC đối với cá ngừ vây vàng.
- Năm 2024, WWF Việt Nam tiếp tục hợp tác với Cục Thủy sản trong dự án “Đánh giá toàn diện nghề câu cá ngừ vây vàng Việt Nam theo tiêu chuẩn chứng nhận MSC”, nhằm hướng tới nghề cá nói chung và cá ngừ nói riêng được quản lý tốt và bền vững.
3. Kết quả của tiểu nhóm công tác PPP Môi trường:
- Đồng trưởng nhóm khối thúc đẩy IUCN và các tổ chức khác như WWF Việt Nam, GIZ, IDH… đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ nguồn lực cho ngành thủy sản trong việc rà soát, xây dựng các chính sách quan trọng về môi trường ngành thủy sản, trong đó các năm 2021, 2022 phải kể đến 02 kết quả quan trọng là Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 và Kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030 tại Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/02/2021; Hỗ trợ các diễn đàn thường niên về bảo vệ môi trường giúp truyển tải các thông điệp, định hướng quản lý về môi trường của Trung ương tới địa phương trong suốt nhiều năm từ 2020 đến nay, và vẫn có kế hoạch đối với các năm tiếp theo.
- Năm 2024, tiểu nhóm môi trường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể hơn nữa cho ngành thủy sản:
+ Hỗ tổ chức 01 buổi gặp mặt giữa các đồng trưởng nhóm khối thúc đẩy và khối công, trong đó trao đổi thảo luận về định hướng phát triển ngành thủy sản trong giai đoạn 2024-2030. Hội thảo đã xác định được các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong năm 2024, 2025 gồm các hoạt động về giảm phát thải cá tra, giảm phát thải trong nuôi tôm và bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa.
+ Tổ chức Diễn đàn rác thải nhựa đại dương năm 2024; để cùng nhau trao đổi chia sẻ các kết quả nghiên cứu liên quan đến rác thải nhựa, tạo mối liên kết giữa các tổ chức, đơn vị để phối hợp triển khai các dự án về rác thải nhựa thủy sản một cách đồng bộ, thống nhất, không trùng lấn.
+ Hỗ trợ tổ chức hội nghị môi trường ngành thủy sản, trong đó, cùng nhau đánh giá được những kết quả ban đầu của Đề án 911 của một số địa phương, định hướng và thống nhất các hoạt động mà Trung ương, địa phương cần tiếp tục tập trung trong năm 2025.
+ Dự án “Bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (MDC)” thông qua tổ chức IUCN đã hỗ trợ nhiều hoạt động tại Kiên Giang và Sóc Trăng, trong đó tạo điều kiện cho các sáng kiến mới về môi trường được thực hiện như: “Thành lập HTX quản lý nghêu lụa tại Bà Lụa, Kiên Lương, Kiên Giang” từ đó nhân giống mô hình ra các huyện, tỉnh khác; Hỗ trợ các sáng kiến để chuyển đổi nghề, phát triển sinh kế, hỗ trợ mô hình của các doanh nghiệp hướng đến hoạt động bảo tồn biển; Phát triển nuôi biển thân thiện với môi trường tại các khu vực có tiềm năng về khu bảo tồn biển…
Thành viên
Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT (Đồng Trưởng nhóm)
Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH (Đồng Trưởng nhóm)
Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ)
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)
Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS)
Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (VIFEP)
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF)