ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Chè

Thông tin chung về ngành hàng

Việt Nam hiện đứng thứ năm về diện tích trồng chè và thứ sáu trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Hiện Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với tổng diện tích lên đến 130 nghìn ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi/năm, quy ra sản lượng chè khô đạt 196 nghìn tấn (năm 2022). Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các thị trường như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia.

Diện tích trồng chè lớn tập trung chủ yếu ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, sau đó rải rác ở các khu vực như Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn là Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha). Hiện nay, Việt nam có đa dạng giống chè, theo thống kê có đến 170 giống chè các loại bảo đảm chất lượng và cho năng suất cao.

Tổng giá trị sản phẩm chè năm 2022 ước tính 12.600 tỷ đồng, tương đương với 552 triệu USD. Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD.

Hiện nay, ngành chè đang tồn tại nhiều hạn chế, bao gồm: (i) Quy mô sản xuất nhỏ, bình quân khoảng 0,2 ha/hộ nên rất khó tiếp cận các thiết bị kỹ thuật mới và chứng nhận chè an toàn; (ii) Đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chè có tưới mới chiếm khoảng 7% diện tích cả nước nên chưa phát huy được tiềm năng của các giống chè mới (chiếm đến 54% diện tích cả nước); (iii) Chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của ngành chè chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường các nước phát triển trong khi các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè (MRL) tại thị trường EU, Mỹ, và Nga càng ngày càng nghiêm ngặt; (iv) Nhiều cơ sở chế biến được cấp giấy phép xây dựng nhưng không có vùng nguyên liệu; trình độ tay nghề chế biến thấp, chất lượng chè không cao; (v) Liên kết giữa sản xuất và chế biến còn lỏng lẻo, chỉ có 10% trong số các công ty/nhà máy chế biến chè có vùng nguyên liệu riêng để phục vụ chế biến, (vi) Diện tích trồng chè ngày càng bị thu hẹp vì người dân sử dụng đất để trồng cây công nghiệp khác và (vii) Việc bảo tồn các giống chè quý hiếm chưa được quan tâm đầy đủ.

Cơ cấu tổ chức, mục tiêu:

Nhóm công tác PPP chè được thành lập từ năm 2010 do Cục Trồng trọt, Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) đồng chủ trì. 

Nhóm công tác PPP chè tập trung hỗ trợ hộ sản xuất nhỏ cải thiện các tiêu chuẩn sản phẩm, cùng hợp tác với chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và khối tư nhân, xây dựng năng lực toàn diện ở cấp độ quốc gia, sự bền vững về mặt kinh tế, môi trường và xã hội lâu dài của thị trường chè Việt Nam tăng khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu của chè Việt Nam.

Kết quả chính đạt được:

Trong những năm qua, nhóm công tác PPP chè đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc lồng ghép hướng dẫn kỹ thuật canh tác và chế biến nâng cao chất lượng chè Việt Nam xuất khẩu. Các doanh nghiệp tham gia nhóm PPP chè đã đầu tư 440.000 Euro để đào tạo và liên kết mô hình sản xuất với hơn 23.000 nông dân ở 6 tỉnh.

Nhóm công tác PPP chè của PSAV đang cộng tác với nhóm công tác hoá chất nông nghiệp phát triển dự án về chuỗi giá trị để hướng dẫn các hộ sản xuất nhỏ và giúp họ cải thiện các tiêu chuẩn. Cùng hợp tác với chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và khối tư nhân, nhóm công tác PPP chè đang xây dựng các phương pháp sản xuất tốt (xây dựng và đào tạo năng lực cho nông dân sản xuất chè bền vững, sử dụng đúng hóa chất nông nghiệp được cho phép, hướng đến đạt các chứng nhận như chứng nhận Rainforest Alliance, chứng nhận UTZ,..) để lồng ghép vào chương trình quốc gia.

Năm 2015, PSAV đã triển khai hai Dự án hỗ trợ sản xuất bền vững cho hộ trồng chè Việt Nam. Đến cuối năm 2017, hai dự án đã tập huấn và triển khai phương pháp sản xuất mới tại 13 công ty chè, 1.207 nhóm trưởng được tập huấn, đến với 19.000 nông hộ, 29 đội bảo vệ thực vật được thành lập, 19 nhà máy được chứng nhận, đã tập huấn và chứng nhận 4.125 nông hộ, 12.706 tấn chè được chứng nhận, 3.931 héc ta trồng chè được chứng nhận và 39 trưởng nhóm nông hộ được tập huấn; thiết lập các tổ đội nông nghiệp để kiểm soát việc sử dụng các yếu tố đầu vào hợp lý.

Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện KHKTNLN miền núi phía Bắc, Hiệp hội Chè Việt Nam, IDH và các doanh nghiệp đã phối hợp triển khai xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất chè bền vững.

Nhóm công tác PPP chè đã tổ chức các Chương trình xúc tiến thương mại hàng năm: Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia do Cục xúc tiến thương mại – Bộ Công thương quản lý và Hiệp hội Chè Việt Nam là đơn vị chủ trì thực hiện. Hàng năm, Hiệp hội Chè Việt Nam đều tổ chức các đoàn doanh nghiệp chè tham gia các chương trình, sự kiện của ngành Chè thế giới trong khuôn khổ chương trình Xúc tiến thương mại.

Nhóm công tác PPP chè đã triển khai xây dựng mô hình tổ đội nông nghiệp nhằm kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV, xây dựng bộ thuốc chuẩn sử dụng cho ngành chè, giảm việc sử dụng phân bón vô cơ, giảm phát thải nhà kính. Hiệp hội Chè đã kết hợp với IDH và Cục BVTV mở rộng việc triển khai mô hình cho 15 đơn vị tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Lai Châu…với diện tích áp dụng khoảng 5000ha. Gần đây, Hiệp hội Chè, công ty CP chè Mỹ Lâm và tổ chức IDH đã phối hợp xây dựng mô hình phòng trừ sâu bệnh ít thuốc trừ sâu thông qua cải thiện nguồn cung ứng và giảm đầu vào hóa chất. Qua kết quả thử nghiệm cho thấy: Vườn chè được thực hiện việc giám sát, điều tra và phòng trừ sâu bệnh  đúng cách , đúng thời điểm, đúng liều lượng và chọn đúng thuốc bảo vệ thực vật thì số lần phun giảm từ 60 đến 70% so với vườn chè người dân phun theo  định kỳ, không điều tra sâu bệnh và tổ chức phun khi chưa đến ngưỡng kinh tế. Đồng thời, Hiệp hội đã tính toán sơ bộ được hiệu quả hấp thụ các bon, giảm phát thải khí nhà kính trong thực hành quản lý trang trại sản xuất chè theo tài liệu hướng dẫn 2006 IPCC (Guidelines for National Greenhouse Gas Inventories), từ đó đề ra một số biện pháp giảm thiểu khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thành viên

Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT (Đồng Trưởng nhóm)

Hiệp hội Chè Việt Nam (Đồng Trưởng nhóm)

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT

Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu

Công ty TNHH Chè Á Châu

Hợp tác xã Bản Liên

Công ty TNHH Chè Cẩm Khê

Công ty TNHH Chè Cao Bồ

Công ty TNHH Chè Cầu Đất (CADACO)

Tổ chức CropLife Việt Nam

Công ty TNHH Thế hệ mới

Công ty TNHH Chè Hà Tĩnh

Công ty TNHH Hải Thái Thái Nguyên

Henry P. Thompson Inc.

Công ty TNHH Chè Hoàng Long

Công ty TNHH Chế biến chè Hữu Hào

Hợp tác xã chè Kiên Tuấn

Công ty CP Chè Lâm Đồng (LADOTEA)

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT

Công ty CP Chè Mỹ Lâm

Công ty CP XNK Nam Anh

Công ty TNHH Nam Long

Công ty TNHH MTV ĐTPT Chè Nghệ An

Công ty TNHH XNK Rồng Đông Dương

Công ty TNHH Chè Phú Hà

Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Phú Lâm

Hợp tác xã Phúc Khoa

Công ty TNHH Thương mại Chè Phương Nam

Công ty TNHH TMĐT Quang Bình

Tổ chức Chứng nhận Rainforest Alliance

Công ty Ransfer Việt

Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (Shanam)

Công ty TNHH Chè SSOE Phú Thọ

Hợp tác xã Suối Giàng

Công ty CP Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường

Công ty CP XNK Thái Nguyên (BATIMEX)

Công ty CP Trà Than Uyên

Công ty SX&TM Trà Thăng Long

Công ty TNHH Chè Tôn Vinh

Công ty TNHH URC Việt Nam (Universal Robina Corporation)

Nhà máy Chế biến Chè Văn Lương

Tổng Công ty Chè Việt Nam (VINATEA)

Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam 

Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH