Rau quả
Thông tin chung về ngành hàng
Ngành rau quả đạt được những kết quả ấn tượng trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,6 tỷ USD năm 2017, chiếm hơn 10% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu NLTS tăng gần 4,2 tỷ USD so với năm 2016 thì riêng ngành rau quả tăng khoảng 929 triệu USD. Ngành rau quả đã vượt qua cà phê, lúa gạo, và cao su để trở thành một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 27%/năm giai đoạn 2007 – 2017. Rau quả Việt Nam đã được xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có 10 thị trường lớn nhất, trên 20 triệu USD, bao gồm: Trung Quốc (chiếm 70,8% thị phần), Mỹ (3,4%), Hàn Quốc (3,4%), Nhật (3,1%), tiếp đến là Hà Lan, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Singapore và Úc (lần lượt từ 2,2 - 1,1%).
Tuy nhiên, ngành rau quả Việt Nam còn tồn tại nhiều nút thắt, vướng mắc về sản xuất, chế biến, thị trường. Quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao, các khu vực sản xuất tập trung quy mô lớn dần được hình thành nhưng vẫn dựa trên các nông hộ nhỏ lẻ và phân tán gây khó khăn trong việc đầu tư, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Diện tích rau quả tăng nhanh nhưng chưa có quy hoạch, tổ chức liên kết sản xuất còn yếu, chất lượng sản phẩm chưa cao. Chi phí sản xuất cao, thất thoát lớn. Công nghệ bảo quản và xử lý sau thu hoạch chậm được đầu tư cải thiện và ít được chú ý đầu tư trong lĩnh vực chế biến rau quả. Các sản phẩm chỉ dừng ở chế biến thô, chế biến sâu gần như không có. Thị trường của rau quả Việt Nam phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khá nghiêm trọng cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cơ cấu tổ chức, mục tiêu:
Nhóm công tác PPP rau quả, do Pepsico, Syngenta và Cục Trồng trọt đồng chủ trì. Hoạt động của nhóm nhằm tập trung nguồn lực của các đối tác để phát triển ngành rau quả Việt Nam đồng thời theo đuổi mục tiêu chung 20-20-20, vừa tăng sản lượng, thu nhập cho nông dân, tạo thêm việc làm và giảm phát thải. Nhóm đã kết nối doanh nghiệp cùng hợp tác với các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ để giúp các hộ sản xuất nhỏ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đầu tiên tập trung vào trồng khoai tây tại tỉnh Lâm Đồng (Miền Nam), và ở Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Hà Nội (Miền Bắc), tiến tới mở rộng cho các loại rau, quả khác vì sự phát triển bền vững chung của ngành hàng.
Kết quả chính đạt được:
Hoạt động nhóm PPP rau quả tập trung chủ yếu vào khoai tây do công ty Pepsico Việt Nam thực hiện. Sau một thời gian, mô hình sản xuất khoai tây đã thu được nhiều thành công về tăng năng suất và thu nhập cho nông dân. Cụ thể:
Dự án khoai tây của PepsiCo Việt Nam giúp tăng năng suất lên 2,2 lần so với năm 2011, tăng lãi ròng 6,5 lần (tương đương 65 triệu đồng), tăng số lượng nông hộ hợp tác lên 500 nông hộ, tăng diện tích trồng lên 4,5 lần.
Thực hiện mô hình tưới nước phun sương, tiết kiệm trên 1 triệu mét khối nước.
Đào tạo hơn 1,6 triệu lượt nông dân về sản xuất bền vững.
Đưa vào thử nghiệm 05 giống mới và kí hợp đồng bao tiêu cho khoảng 1.000 nông hộ.
Thành viên
Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT (Đồng Trưởng nhóm)
Công ty TNHH Syngenta Việt Nam (Đồng Trưởng nhóm)
Công ty PepsiCo Foods Việt Nam (Đồng Trưởng nhóm)
Việt Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ (VIOAE) (Đồng Trưởng nhóm)
Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao
Công ty TNHH Fresh Studio
Công ty CP Xuất nhập khẩu Rau quả
Công ty CP Lavifood
Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), Bộ NN&PTNT
Công ty CP Tập đoàn Nafoods
Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH
Công Ty TNHH MTV The Fruit Republic