ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Hồ tiêu và Gia vị

Thông tin chung về ngành hàng

Năm 2022, diện tích hồ tiêu toàn cầu là 745.000 ha vào năm 2021, tăng 42,8% so với năm 2020. Tại Việt Nam, diện tích hồ tiêu giảm đáng kể do giá giảm mạnh, ảnh hưởng của dịch bệnh và biến đổi khí hậu, từ 152.000 ha năm 2017 xuống còn 130.000 ha vào năm 2021 (Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam thông tin tại Hội nghị quốc tế ngành hồ tiêu Việt Nam, 2022).

Hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu tới 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt là xuất khẩu các loại hàng chất lượng cao vào Mỹ và các nước EU ngày càng tăng. Thị trường xuất khẩu lớn nhất hồ tiêu hiện nây của Việt Nam là thị trường Trung Quốc, kế đến những thị trường lớn khác của hồ tiêu Việt Nam là Hoa Kỳ và châu Âu. Thị trường Trung Quốc chủ yếu nhập tiêu đen, đến 90% tiêu đen nguyên hạt, 10% còn lại là tiêu xay. Châu Âu và Hoa Kỳ là những nhà nhập khẩu hạt tiêu đen lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/3 lượng nhập khẩu toàn cầu.

Cùng với sự phát triển, ngành tiêu vẫn đang tồn tại một số hạn chế: (i) Đa phần giống hồ tiêu vẫn trôi nổi, chưa thể kiểm soát được chất lượng; (ii) Bùng nổ diện tích hồ tiêu vượt quy hoạch, gây nguy cơ phát triển thiếu bền vững; (iii) Sản xuất nhỏ, manh mún, thiếu liên kết; (iv) Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và các loại thuốc BVTV vẫn còn xảy ra, khiến độ phì đất bị suy giảm nghiêm trọng, độ pH thấp, vi sinh vật có lợi bị tiêu diệt, sức đề kháng hồ tiêu kém, khiến dịch bệnh về rễ có điều kiện bùng phát; (v) Thu hoạch thủ công, bảo quản sau thu hoạch còn yếu; (vi) Quản lý chất lượng sản phẩm kém, chưa có thương hiệu; (vii) Tiêu xuất khẩu dạng sơ chế hiện đang chiếm tỉ lệ cao, ước tính lên đến hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu tiêu. Chính vì vậy, giá trị xuất khẩu cũng như lợi thế cạnh tranh của tiêu Việt Nam còn chưa cao. Xuất khẩu tiêu của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi áp lực gia tăng hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng lớn như dư lượng hóa chất tối thiếu. Do đó, để đạt được những yêu cầu về kỹ thuật của những thị trường nhập khẩu chính, Việt Nam sẽ phải chú trọng hơn nữa về vấn đề chất lượng đối với sản phẩm tiêu.

Cơ cấu tổ chức, mục tiêu:

Nhóm công tác PPP gia vị và hồ tiêu được thành lập năm 2015 do Cục Bảo vệ thực vật, IDH và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đồng chủ trì. Ngoài ra, còn có sự tham gia của Harris Freeman, Intimex, McCormick, Netafim, NED Spice, Olam International, Rainforest Alliance, SNV, Syngenta, Unilever, Simexco Daklak.  

Mục tiêu của nhóm là kết nối nguồn lực của các đối tác trong chuỗi cung ứng hồ tiêu/gia vị Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề phát triển bền vững của ngành hàng. Cụ thể, hoạt động của nhóm công tác nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa khối nhà nước và khối doanh nghiệp, thúc đẩy ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững thông qua việc sản xuất hồ tiêu an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tạo ra giá trị và thương hiệu tốt hơn cho hồ tiêu Việt Nam, giúp tăng năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế ngành hàng hồ tiêu Việt Nam.

Kết quả chính đạt được:

- Tăng cường năng lực thực hành sản xuất hồ tiêu bền vững:

+ Bộ Tài liệu Sản xuất Hồ tiêu Bền vững được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và 3 công ty thành viên nhóm. Nội dung tài liệu kết hợp kiến thức từ các tài liệu hiện có về Sản xuất hồ tiêu bền vững của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (NAEC) với những kinh nghiệm thực tế từ các nhà sản xuất hồ tiêu Việt Nam và nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và Cục Bảo vệ Thực vật (PPD). Bộ tài liệu đã được sử dụng làm tài liệu giảng dạy chính thức của Trung tâm Khuyến Nông quốc gia đồng thời được phát hành gửi đến nông dân tại các tỉnh trồng hồ tiêu trọng điểm và tải lên các trang web của NAEC, VPSA, PPD.

+ Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật với ứng dụng có tên là “Thuốc BVTV” có thể được tải từ kho dữ liệu Apple và Google dùng cho điện thoại di động do IDH và PPD hỗ trợ xây dựng. Phần mềm sẽ cung cấp cho nông dân thông tin về các loại thuốc BVTV đã đăng ký; hướng dẫn cụ thể sử dụng thuốc cho các loại cây trồng trong đó có hồ tiêu.

- Tăng cường năng lực cho cán bộ các phòng thử nghiệm thông qua khóa đào tạo do Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, Công ty Eurofins Hà Lan và Việt Nam tổ chức. Tham dự khóa đào tạo có 20 cán bộ đến từ các quốc gia trồng hồ tiêu như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Srilanka và Việt Nam. Khóa đào tạo giới thiệu về phương pháp phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu/sản phẩm hồ tiêu, xác định mức dư lượng, phân tích hoạt chất Mycotoxin trong hồ tiêu Đây là lần đầu có sự hợp tác của khối công và khối tư trở thành bước đệm giúp tăng cường cải thiện chất lượng hồ tiêu trong thời gian tới.

- Tổ chức đối thoại chính sách

+ Thúc đẩy các bên tham gia, phối hợp từ khối công và khối tư trong nhóm PPP nằm giải quyết vấn đề của ngành.

+ Tổ chức hội thảo, đối thoại chính sách hàng năm với các cơ quan và doanh nghiệp để rà soát và theo dõi chính sách liên quan đến sản xuất bền vững cho ngành hồ tiêu và quế.

+ Tổ chức các cuộc họp thường niên Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về Hồ tiêu và Gia vị với sự tham gia các thành viên trong nhóm nhằm trao đổi cập nhật thông tin và chia sẻ kinh nghiệm, mô hình và sáng kiến sản xuất hồ tiêu bền vững.

+ Tổ chức hội nghị triển vọng Hồ tiêu với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hiệp hội gia vị Châu Âu và Mỹ được tổ chức mỗi năm hai lần. Đây là cơ hội để các bên gặp gỡ, trao đổi chia sẻ thông tin và hợp tác trong lĩnh vực hồ tiêu thông qua các phiên họp chính và các sự kiện như tổ chức một số gian hàng triển lãm của các nhà xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam. Đây cũng là nơi để trao đổi các vấn đề về thương mại hồ tiêu và đối thoại chính sách, xác định những cơ hội và thách thức đối với ngành Hồ tiêu, đồng thời cũng giúp phát triển các mối quan hệ kinh doanh mang tính chuyên nghiệp.

+ Tổ chức định kỳ hàng quý với Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA) và Hiệp hội Gia vị Mỹ (ASTA) để ghi nhận cập nhật các yêu cầu mới của thị trường Châu Âu và Mỹ.

- Các dự án xây dựng chuỗi giá trị và phát triển nguồn vùng nguyên liệu bền vững:

+ Cục BVTV phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thực hiện dự án khuyến nông Trung ương về xây dựng mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp từ năm 2018-2019 và Dự án xây dựng mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp từ năm 2018-2020.

+ IDH phối hợp với các công ty như McCormick, Nedspice và Simexco v.v. xây dựng và thực hiện các dự án tập trung chủ yếu đào tạo cho các tiểu giáo viên và nông dân các phương thức sản xuất hồ tiêu bền vững, đặc biệt vấn đề sử dụng và quản lý thuốc bảo vệ thực vật, phổ biến áp dụng Bộ Tài liệu Quốc gia sản xuất hồ tiêu bền vững; áp dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng các mô hình cấp chứng chỉ RA, áp dụng công nghệ vào quản lý trang trại v.v…;

+ IDH, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam và Hiệp hội gia vị Châu Âu thực hiện dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam, giai đoạn 2021-2023” tại Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Dự án tập trung vào các Doanh nghiệp Hồ tiêu vừa và nhỏ thông qua đó mang lại lợi ích cho nông dân sản xuất nhỏ. Dự án thúc đẩy sự tham gia tích cực của các bên liên quan chính trong ngành Hồ tiêu nhằm giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp, nỗ lực góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu phát triển hồ tiêu bền vững.

- Ngày 30/03/2021, Cục Bảo vệ Thực vật, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và Diễn đàn “Sáng kiến Gia vị Bền vững (Sustainable Spices Initiative)” đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc cùng nhau hợp tác nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam cho giai đoạn 2021 – 2025.

- Cục BVTV tham mưu Bộ NN&PTNT đưa nội dung “Xây dựng các chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực nhằm bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, bảo vệ sức khỏe đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái” vào “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Cục BVTV đưa nội dung IPHM vào “Chương trình hành động triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 1909/QĐ-BNN-KH ngày 27/5/2022 của Bộ NN&PTNT.

- Bộ đã ban hành Quyết định 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23/9/2022 về Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2030. Đến nay cả nước đã có 30 tỉnh ban hành kế hoạch IPHM.

- Cục BVTV đã ban hành Quyết định 846/QĐ-BVTV-TV ngày 28/3/2023 về Chương trình và tài liệu đào tạo giảng viên (TOT), huấn luyện nông dân (FFS) về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

- Cục BVTV đã tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành các Quyết định phê duyệt Đề án như:

+ Quyết định số 5190/QĐ-BNN-BVTV ngày 07/12/2023 phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

+ Quyết định số 5415/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023 phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

+ Quyết định số 5416/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023 phê duyệt Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030.

+ Quyết định số 3458/QĐ-BNN-BVTV ngày 11/10/2024 phê duyệt Đề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

- Cục BVTV đã phối hợp với IDH xây dựng bộ tài liệu đào tạo giảng viên TOT, FFS theo IPHM đối với cây hồ tiêu.

- Xây dựng bản đồ số Hồ tiêu và gia vị Việt Nam (dự kiến hoàn thành tháng 12/2024).

- Góp ý, hoàn thiện Bộ Tiêu chuẩn quốc gia Hạt tiêu (TCVN) Việt Nam.

- Hoàn thành báo cáo khảo sát hiện trạng ngành Hồ tiêu và gia vị tại 11 tỉnh thành (tháng 7/2024).

- Xây dựng và hoàn thiện dự thảo chiến lược phát triển bền vững ngành Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam giai đoạn 2024-2026.

- Thực hiện Biên bản ghi nhớ 3 bên VPSA-SGS-SSI (ký tháng 7/2024) về việc chia sẻ dữ liệu test Hồ tiêu để từ đó thực hiện việc đánh giá, đề xuất thực hiện các hoạt động đánh giá kiểm soát chất lượng Hồ tiêu với sự hợp tác của SSI-IDH.

- Tham gia nhóm đối tác ASTA cung cấp thông tin về các chất được phép sử dụng trong Hồ tiêu ở Việt Nam cho ASTA nhằm xây dựng, sửa đổi các quy định về MRL tại Hoa Kỳ. Phối hợp cùng SSI và SGS xây dựng mẫu thu thập dữ liệu thuốc trừ sâu nhằm theo dõi các báo cáo tần xuất của các hoạt chất trong Hồ tiêu.

- Làm việc với đơn vị tư vấn tại Việt Nam của sáng kiến tăng cường bảo vệ trẻ em và người lao động trẻ trong chuỗi cung ứng Hồ tiêu Việt Nam (6 đối tác liên quan: Nedspice, Olam, Sơn Hà, Phúc Sinh, DK, Jayanti). Tiếp tục điều phối, hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan thực hiện các hoạt động phù hợp, theo đúng chủ trương, quy định của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu và giải quyết các vấn đề phát triển bền vững của ngành hàng.

- Thúc đẩy liên kết chuỗi giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tăng cường hiệu quả và sự minh bạch trong chuỗi cung ứng để mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ và EU.

- Phối hợp cùng ASTA, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Công ty Sơn Hà trong vấn đề xử lý kim loại nặng trong Quế.

Thành viên

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT (Đồng Trưởng nhóm)

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (Đồng Trưởng nhóm)

Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH (Đồng Trưởng nhóm)

Công ty CP Giải pháp Thời tiết và Nông nghiệp AgriMedia

Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê

Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC)

Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ)

Công ty CP Sản xuất Dịch vụ XNK Hà Nội (Haprosimex)

Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam

Công ty CP Tập đoàn Intimex

Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San

Công ty McCormick

Công ty TNHH Chế biến Gia vị Nedspice Việt Nam

Công ty TNHH Netafim Việt Nam

Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood

Công ty TNHH Olam Việt Nam

Công ty CP TMDV XNK Trân Châu

Công ty CP Phúc Sinh

Tập đoàn Quế Lâm

Công ty TNHH SGS Việt Nam

Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco)

Công ty TNHH Syngenta Việt Nam

Công ty CP Giám định Cà phê & Hàng hóa XNK (CafeControl)

Công ty TNHH Gia vị Liên hiệp (UniSpice)

Công ty CP Giám định và Chứng nhận Hàng hóa (VCC&C)

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI)

Công ty TNHH Yara Việt Nam