ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Xây dựng dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa

22/ 04/ 2024

Ngày 22/4, Cục Trồng trọt phối hợp cùng IRRI tổ chức hội thảo tham vấn, đánh giá và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả.

Cấp thiết xây dựng cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), kế hoạch chuyển đổi số ngành NN-PTNT giai đoạn 2022 - 2025 (theo Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP ngày 15/6/2022) đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% cơ sở dữ liệu (CSDL) về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn, có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã và đang xây dựng các chiến lược, đề án phát triển quan trọng như: Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030; phát triển cây ăn quả chủ lực đến 2025 và 2030…

Những yêu cầu về xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng; hoàn thiện cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bảo đảm nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế… đang đặt ra yêu cầu bức thiết cho lĩnh vực trồng trọt phải xây dựng một hệ thống thông tin, CSDL số hoàn chỉnh, có khả năng tham chiếu địa lý.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ, hiện nay, Bộ NN-PTNT đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp với những mục tiêu rất cụ thể, đặc biệt là việc phát triển một nền tảng dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao. Trong khi đó, việc theo dõi, chỉ đạo sản xuất trên lĩnh vực trồng trọt có những yếu tố có thể định lượng được bằng cảm quan, kinh nghiệm, nhưng cũng không ít yếu tố không thể làm vì không có căn cứ, cơ sở khoa học.

Điều này đặt ra yêu cầu phải có hệ thống số hóa được các dữ liệu ngành trồng trọt để cung cấp công cụ quản lý có tính xuyên suốt từ trung ương tới địa phương giúp cho việc quản lý hiệu quả hơn trên quy rộng lớn, trên nhiều loại cây trồng trong cùng một không gian, thời gian và đưa ra các quyết định sản xuất nhanh chóng, chính xác nhất. Từ đó, giảm thiểu các kết quả không mong muốn trong quá trình sản xuất.

Công cụ hữu hiệu trong quản lý sản xuất lúa gạo bền vững

Tại hội thảo, ông Bùi Tân Yên (Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế - IRRI) đã chia sẻ về hệ sinh thái dữ liệu số theo dõi và báo cáo sản xuất lúa (RiceMore). Đây là nền tảng tham chiếu địa lý, cho phép chuẩn hóa và ghi lại dữ liệu hoạt động sản xuất lúa theo thời gian, được phát triển, thử nghiệm và hoàn thiện từ năm 2018 với sự tham gia của Sở NN-PTNT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

Sau quá trình hoàn thiện, tới nay, hệ thống đã được giới thiệu và đưa vào ứng dụng tại 10 tỉnh, thành trên cả nước. Hệ thống này tự động tổng hợp dữ liệu theo các cấp quản lý khác nhau, giúp cải thiện đáng kể quy trình báo cáo và thống kê sản xuất lúa.

Hệ sinh thái số RiceMore được phát triển với hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp của chính phủ New Zealand; sáng kiến CGIAR về giảm nhẹ và chuyển đổi để giảm phát thải khí nhà kính của các hệ thống nông sản (MITIGATE+); sáng kiến CGIAR về bảo vệ hệ thống lương thực tại các vùng đồng bằng lớn của châu Á (Asian Mega-Deltas); chương trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái để xây dựng các hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững, toàn diện (Transitions) do IFAD-EU tài trợ.

RiceMore có các hợp phần lưu trữ và xử lý dữ liệu sản xuất, giúp tính toán lượng phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa từ cấp đồng ruộng, nông hộ, hợp tác xã tới cấp vùng và quốc gia. Nhờ đó, hệ thống có tiềm năng đóng góp cho công tác kiểm kê khí nhà kính của ngành lúa gạo; các chương trình quốc gia liên quan tới tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Từ đầu năm 2023, IRRI phối hợp với Cục Trồng trọt và Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã nâng cấp RiceMore thành hệ thống trực tuyến với một ứng dụng di động. Theo đó, ứng dụng được phát triển hướng tới nhiều nhóm người dùng. Ở cấp địa phương, các xã trên toàn quốc có thể gửi dữ liệu báo cáo sản xuất lúa hàng tuần theo mẫu chuẩn giúp tổng hợp và phân tích dữ liệu một cách dễ dàng. Cục Trồng trọt và Bộ NN-PTNT có thể giám sát tiến độ, phân bố diện tích theo vụ, giống lúa, giai đoạn phát triển để đưa ra quyết định tức thời (ví dụ ứng phó với rủi ro khí hậu, kiểm soát sâu bệnh, kế hoạch xuất khẩu và phân bổ đầu tư).

Ở cấp vùng và quốc gia, Bộ NN-PTNT có thể ước tính tiềm năng và mục tiêu trong giảm phát thải khí nhà kính từ các hệ số phát thải khí nhà kính cấp II và điều kiện tự nhiên cụ thể của địa phương. Những người dùng khác như doanh nghiệp và cơ quan khuyến nông có thể truy cập thông tin để cung cấp khuyến cáo cụ thể cho nông dân, cũng như xây dựng các dịch vụ khuyến nông phù hợp.