ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

23/ 03/ 2024

Ngành trồng trọt nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Khuyến khích doanh nghiệp tích cực chọn tạo giống cây trồng mới

Sáng 23/3, tại TP. Huế, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội thảo “Giống cây trồng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam” nhằm tìm cơ hội phát triển ngành giống cây trồng vững mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch VSTA, Chủ tịch Tập đoàn Thaibinh Seed cho biết, ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1748/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiến lược hướng đến mục tiêu phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vững chắc an ninh lương thực quốc gia và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu.

“Để thực hiện tốt nhiệm vụ Hiệp Hội xác định từ khi thành lập trong Chiến lược phát triển ngành trồng trọt, VSTA tổ chức Hội thảo hôm nay hướng đến cung cấp, phổ biến thông tin về thực trạng nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất kinh doanh giống cây trồng ở Việt Nam, đồng thời tạo ra cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi, giải đáp các kiến nghị về giống cây trồng”, ông Trần Mạnh Báo nhấn mạnh.

Trao đổi rõ hơn về Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhìn nhận, nếu không có định hướng phát triển, ngành giống cây Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà.

Khẳng định những định hướng chung, ông Nguyễn Như Cường nêu rõ, Chiến lược đặt mục tiêu phát triển trồng trọt theo hướng tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường.

Để làm được điều này, ngành tập trung nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội, chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng của thị trường.

Bên cạnh đó, công tác đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh giống cây trồng, tiếp tục quản lý chặt chẽ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được chú trọng.

Một trong những trọng tâm khác của Chiến lược là sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần, xúc tiến thương mại.

Từ định hướng chung của Chiến lược, ông Nguyễn Như Cường đề nghị, Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp tích cực hơn trong tham gia chọn tạo các loại giống cây trồng mới, đặc biệt là lĩnh vực giống rau, giống cây ăn quả đang còn yếu.

“Các thành viên trong Hiệp hội tham gia liên kết sản xuất cũng cần chú trọng liên kết với các hợp tác xã, nông dân, thúc đẩy thị trường. Trong các chương trình chọn tạo giống quốc gia, nguồn lực Nhà nước là hữu hạn nhưng nguồn lực tư nhân là vô hạn. Do đó, chúng tôi luôn muốn học hỏi, lắng nghe, chia sẻ đồng hành cùng doanh nghiệp để thực hiện tốt Chiến lược đề ra”, Cục trưởng Nguyễn Như Cường khẳng định.

Gỡ vướng mắc, tìm cơ hội sáng cho ngành giống cây trồng phát triển

Thông tin về thực trạng nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây trồng nông nghiệp ở Việt Nam, ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VSTA cho biết, năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu trồng trọt đạt hơn 27 tỷ USD, trong tổng số hơn 53 tỷ USD toàn ngành, thặng dư xuất khẩu trên 11 tỷ USD.

Có tới 4 ngành hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD, gồm: rau quả, gạo, cà phê, điều. Gạo Việt Nam lần đầu tiên được đánh giá nhóm gạo ngon nhất thế giới.

Đáng chú ý, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác gia tăng hàng năm trong giai đoạn 2018 – 2022 đã tăng từ 93,9 triệu/ha lên 104 triệu/ha. Các thành tựu này góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và chính trị, xã hội ở nước ta.

Cũng theo báo cáo của VSTA, kể từ khi nhiều giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất, năng suất lúa lai đã tăng 10 - 15%, năng suất lúa thuần tăng 8 - 10%, năng suất ngô tăng 15 - 22%, năng suất mía tăng 15 - 20%, năng suất cà phê tăng 30 - 35%, năng suất đậu tương, lạc tăng 30 - 35%, năng suất thanh long tăng 28 - 30%. Chất lượng và khối lượng các loại nông sản hàng hoá sản xuất đều tăng cao hơn trước.

Đóng góp vào sự phát triển chung của ngành giống cây trồng nông nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp của VSTA đã lai tạo, nhập nội chọn lọc, đánh giá và công nhận giống chính thức hoặc công nhận lưu hành hàng trăm giống lúa, ngô trong những năm qua.

Giai đoạn 2016 - 2020, VSTA có 57 giống lúa mới đã được Bộ NN-PTNT công nhận giống quốc gia. Nhiều giống bản quyền có diện tích rộng vài trăm ngàn ha mỗi vụ và được công nhận thương hiệu quốc gia.

VSTA cũng tham gia tích cực chọn tạo các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm phục vụ tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam, như giống lúa thơm: ST24, ST25 của doanh nhân Hồ Quang Trí; RVT, Đài thơm 8 của Vinaseed; TBR39-1 của ThaiBinh Seed; Hana 112 của ADI…

Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Định, hệ thống sản xuất giống của Việt Nam tuy nhiều nhưng năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu.

Nguyên nhân của thực trạng này được Phó Chủ tịch VSTA nêu ra do các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành. Một số văn bản còn mâu thuẫn, thiếu tính khả thi làm hạn chế tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới chọn tạo, phóng thích giống cây trồng nông nghiệp ra lưu hành. Quyền tác giả chưa được chú trọng đúng mức.

Phó Chủ tịch VSTA đề xuất sửa Luật Trồng trọt và các nghị định, thông tư hướng dẫn để khả thi hơn, thực tế hơn, tránh tình trạng mâu thuẫn nhau giữa các luật. Đặc biệt, ông Định kỳ vọng có các giải pháp giải quyết vướng mắc về tên giống tự công bố lưu hành với một loạt tên các giống rau, hoa.

Cùng nhìn nhận lĩnh vực giống hoa của Việt Nam còn hạn chế, bà Nguyễn Thị Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam nhận định, ngành giống hoa chưa được quan tâm đúng với tiềm năng, thế mạnh, nhất là khi Việt Nam định hướng phát triển du lịch rộng mở.

Bên cạnh đó, bà Tâm cho rằng cần có chính sách đào tạo thu hút lao động, nhà nghiên cứu khoa học vào công tác phát triển giống cây trồng. Chất lượng đầu vào ngành nông nghiệp nói chung và nghiên cứu giống nói riêng sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố khoa học, công nghệ.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, để tạo ra được các sản phẩm nông sản tốt phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, quá trình liên kết tổ chức cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các khâu mà khâu đầu tiên đóng vai trò quan trọng nhất là giống cây trồng.

“Các nút thắt của ngành khi được tháo gỡ rành mạch sẽ là cơ hội sáng cho nông sản Việt Nam cất cánh xa hơn nữa trên thị trường quốc tế. Muốn làm được điều này, không thể để người nông dân tự bơi mà phải doanh nghiệp hóa nhà nông gắn với chiến lược phát triển ngành”, Phó Chủ tịch VCCI đề nghị