ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có lợi thế trong khai thác các FTA thế hệ mới

29/ 12/ 2021

Dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19 song vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có những lợi thế nhất định trong khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt đối với mặt hàng thế mạnh như nông thủy sản, may mặc.

Tại hội thảo trực tuyến “Nhìn lại kinh tế vùng năm 2021 và kịch bản năm 2022”, do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) phối hợp với VCCI Chi nhánh Cần Thơ tổ chức ngày 10/12, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC đã đưa ra những đánh giá về nền kinh tế của Việt Nam năm 2021 với nhiều biến động. Ông Lộc dẫn chứng từ Tổng cục Thống kê, nhận thấy, 94% các doanh nghiệp (DN) đã gặp phải khó khăn về dịch bệnh, mỗi tháng có khoảng 10.000 DN rút lui khởi thị trường và hàng loạt người lao động mất việc làm.

Tại vùng ĐBSCL, sự lây lan của dịch bệnh cũng khiến DN các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp… phải tạm ngưng hoạt động. Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Dongtam Group, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An - cho biết: Long An là một trong những “tâm dịch” của cả nước khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư diễn ra. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN địa phương gặp muôn vàn trắc trở, do buộc phải thực hiện theo các quy định nghiêm ngặt “3 tại chỗ” của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh.

“Thời điểm hiện nay, đa số DN hoạt động trở lại nhưng vẫn đang trong tình trạng khan hiếm lao động và phải đối mặt với những khó khăn nhất định như: Chi phí đầu vào, chí phí hoạt động tăng cao do các phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch; việc tự do, mở cửa đang đối mặt với những thách thức và hạn chế nghiêm trọng; DN gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, chính sách kinh tế của Chính phủ ban hành…”- ông Võ Quốc Thắng nói.

Từ đó, ông Thắng khuyến nghị DN cần xác định tư tưởng sống chung với đại dịch và cần phải chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để vừa làm việc vừa chống dịch. Ngoài ra, DN cần mạnh dạn chuyển đổi số và tháo gỡ khó khăn bằng những chính sách thiết thực, thể hiện tầm tư duy mới theo hướng thị trường, khuyến khích tự do.

Nhìn về triển vọng phát triển trong năm 2022 của vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho biết: Tình hình kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi rõ nét, các thị trường đầu ra liên tục tìm kiếm ý tưởng mới cho mô hình tăng trưởng như tận dụng các FTA thế hệ mới, chuyển đổi số hay phục hồi xanh. DN vùng hoàn toàn có thể hưởng lợi nếu có các phương án phát triển dựa trên những mô hình mới này.

Bà Võ Thị Thu Hương - Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ - bổ sung: Tuy chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng vùng đang có những lợi thế nhất định trong khai thác các FTA thế hệ mới, đặc biệt đối với mặt hàng thế mạnh như nông thuỷ sản, may mặc. Tuy vậy đối mặt với tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, các DN vùng phải có sự linh hoạt trong việc tái cấu trúc chi phí, lao động để duy trì hoạt động; phòng tránh rủi ro để bảo toàn vốn được xem là ưu tiên hàng đầu.

Ngoài vấn đề trên, luật sư Trương Trọng Nghĩa - Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam cũng lưu ý DN một số vấn đề pháp lý điển hình liên quan thực hiện hợp đồng, giải quyết tranh chấp nói riêng, cũng như các vấn đề pháp lý trọng điểm trong tiến trình phục hồi sức khỏe DN nói chung.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, tính đến tháng 10/2021 số vụ tranh chấp được thụ lý tại VIAC là 215 vụ, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, năm 2022 có thể sẽ là một năm với số lượng tranh chấp tăng cao bởi tình hình dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện hợp đồng và dẫn đến tranh chấp phát sinh. “DN cần quan tâm hơn về những vấn đề pháp lý, cần thỏa thuận và đưa điều khoản giải quyết tranh chấp vào hợp đồng”- ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Công Thương