Quá trình hội nhập kinh tế nói chung và tham gia các FTA nói riêng chính là động lực để Việt Nam cải cách thể chế, tăng sức hút đầu tư, rộng đường cho doanh nghiệp (DN) phát triển.
Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 FTA. Đến nay, có thể nói, cơ hội từ các FTA đang rất lớn. Theo các chuyên gia kinh tế, FTA không chỉ chú trọng mở cơ hội thị trường đối với thương mại hàng hóa mà còn liên quan đến những vấn đề dịch vụ, cải cách thể chế cũng như yếu tố sau biên giới tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh, phát triển của DN. Trong đó, cải cách thể chế được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm thúc đẩy nền kinh tế hội nhập và tận dụng hiệu quả các FTA.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), tiến trình hội nhập và tham gia các FTA sẽ làm cho môi trường kinh doanh đi theo tiêu chuẩn của thế giới, ngày càng minh bạch, dễ dự đoán và thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của DN. Do vậy, để tận dụng được cơ hội từ các FTA, thể chế kinh tế của chúng ta cũng phải chuyển động tương ứng, có sự điều chỉnh theo cách thức thích hợp để đón đầu cơ hội.
Nhìn từ góc độ hoạt động của DN, ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - phân tích, trong một môi trường kinh tế rộng lớn, nếu chất lượng thể chế không cao, sẽ chỉ dừng lại ở khâu gia công lắp ráp và chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp… Những đổi mới thể chế mạnh mẽ sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như DN, tạo ưu thế cạnh tranh trong thương trường toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình cải cách thể chế cần phải có cách làm triệt để, đồng bộ chứ không để xảy ra tình trạng mở chỗ này, thắt chỗ khác.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương đã triển khai rất quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại, giúp nền kinh tế cũng như DN tận dụng hiệu quả các FTA. Không chỉ rút ngắn thời gian ban hành, nội dung, quy định các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện cam kết của FTA đều sát với thực tế, yêu cầu. Chính phủ, các bộ, ngành đã khẩn trương sửa đổi một số quy định pháp lý phù hợp với các cam kết.
Theo kết quả khảo sát đầu tư của Trung tâm WTO và Hội nhập, năm 2020, dòng đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển ra khỏi một số khu vực và Việt Nam trở thành một trong các điểm đến được lựa chọn nhờ là đầu mối kết nối với hơn 50 đối tác trên thế giới về hàng hóa, môi trường kinh doanh được đảm bảo bởi các hiệp định có tiêu chuẩn cao. Đầu năm 2021, thu hút đầu tư yếu hơn so với năm 2020 nhưng đầu tư từ các nước ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lại tăng và gần đây đầu tư từ EU cũng tăng dần.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, chỉ với thời gian rất ngắn nhưng chúng ta đã thực hiện được số lượng văn bản rất lớn ở cấp nghị định, quyết định, thông tư. Nếu trước đây, trung bình một nghị định phải mất từ 6 - 12 tháng mới ban hành, nhưng chỉ trong 2 năm, hiện chúng ta ban hành một số lượng lớn văn bản nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý để thực thi các FTA thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất cao.
Nguồn: Báo Công Thương
Khởi động đàm phán FTA ASEAN – Canada2021/12/29
Xuất khẩu tôm sang EU dự báo còn tiếp tục tăng2021/12/29
Tận dụng hiệu quả Hiệp định UKVFTA: Hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu sâu2021/12/29
Chủ động hơn nữa để tận dụng hiệu quả EVFTA2021/12/29
Sức bật cho tăng trưởng thương mại thông qua các FTA Khu vực Mỹ La Tinh2021/12/29