ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Sức bật cho tăng trưởng thương mại thông qua các FTA Khu vực Mỹ La Tinh

29/ 12/ 2021

Việt Nam và các nước khu vực Mỹ Latinh đang ngày càng xích lại gần nhau để mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025.

Nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về những thay đổi trong chính sách kinh tế - thương mại của các nước khu vực Mỹ Latinh, phân tích tình hình thị trường và nhu cầu đối với cách ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, từ đó xác định các cơ hội và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư từ khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại đang đi vào thực thi, ngày 9/12/2021, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2021 tại Hà Nội. Diễn đàn được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh trong những năm qua đã không ngừng được mở rộng và phát triển. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 63 lần từ 245 triệu USD năm 2000 lên 15,6 tỷ USD vào năm 2020; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực đạt 8,25 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,33 tỷ USD

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, Việt Nam đã có một số dự án đầu tư tại Mỹ Latinh với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD như các dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại Peru, phát triển mạng viễn thông ở Haiti và Peru, sản xuất mỳ ăn liền ở Brasil. Ở chiều ngược lại, hiện có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Mỹ Latinh đầu tư tại Việt Nam với 297 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9,3 tỷ USD.

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước Mỹ Latinh, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận với một số nước trong Khu vực như Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Chile, FTA Việt Nam – Cuba, hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có các 3 nước Mỹ Latinh gồm Chile, Peru, Mexico là thành viên. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cùng với Chính phủ các nước thành viên của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay hiện cũng đang tích cực trao đổi để xem xét khả năng thúc đẩy một Hiệp định ưu đãi Thương mại, qua đó giúp các sản phẩm Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận Khối Thị trường rộng lớn với quy mô dân số hơn 360 triệu dân.

Nguồn: Báo Công Thương