ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Nông lâm sản tăng mạnh xuất khẩu sau một năm EVFTA có hiệu lực

29/ 12/ 2021

Tròn một năm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta có chuyển biến tích cực.

Dây chuyền chế biến ngô tại Việt Nam

Ngày 1/8 vừa qua là tròn một năm EVFTA có hiệu lực. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, EVFTA giúp Việt Nam dỡ bỏ thuế quan, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc xuất xứ và chứng nhận xuất xứ.

Bên cạnh đó, hiệp định còn cải thiện môi trường, tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU. Đây là những cơ sở để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế EVFTA với hàng xuất khẩu lên đến 29,09%. Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể: Sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD, tăng 56,91%. Gạo đạt 5,2 triệu USD, tăng 3,73% Sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 70,5 triệu USD, tăng 33,75%. Rau quả đạt 63,8 triệu USD, tăng 12,5%.

"Việc tham gia EVFTA tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội tiếp cận với những lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có nông nghiệp. Đây là lĩnh vực tiềm năng mà nước ta có thể nhận chuyển giao công nghệ, cả trong sản xuất lẫn chế biến", ông Thái cho biết

Là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, toàn diện, mức độ cam kết sâu và rộng, nhưng đồng thời đảm bảo sự cân bằng lợi ích cho hai bên, EVFTA được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Valdis Dombrovskis đánh giá cao việc triển khai có hiệu quả EVFTA. Ông xem EVFTA là một trong những kết quả thành công và cụ thể nhất cho quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam.

"Thương mại giữa hai bên tăng đáng kể trong những năm qua và tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực. Hiệp định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy những giá trị về xã hội cho hai bên", ông Dombrovskis đánh giá.

Bên cạnh cú hích trực tiếp về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, EVFTA còn tạo sự đổi mới, sức bật cho Việt Nam trong lúc hội nhập kinh tế thế giới. Vụ Chính sách thương mại đa biên đề cao 5 lợi ích, gồm: (1) Mở ra kênh huy động vốn đầu tư quốc tế; (2) Thúc đẩy chuyển giao công nghệ. (3) Bổ sung hàng cho thị trường nội địa. (4) Mở ra nhiều thị trường cho xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế. (5) Tạo động lực cho quá trình chuyển đổi từ tay nghề thấp sang tay nghề cao.

Song song với lợi ích kinh tế, EVFTA còn thúc đẩy cải cách thể chế. Riêng Bộ Công Thương đã cắt giảm thêm 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước trong tổng số 1.216 điều thuộc quyền quản lý của Bộ.

Về phía Chính phủ, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sớm được ban hành. Cùng với đó, Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp được triển khai rộng khắp ở các Bộ, ban, ngành