ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Xuất khẩu nông sản phấn đấu đạt 28 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm

03/ 06/ 2022

Ngành nông nghiệp đề ra nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 28 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp của Bộ về tổng kết công tác tháng 5 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 6

Ngày 1/6, Bộ NN-PTNT tổ chức họp tổng kết công tác tháng 5 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, về trồng trọt, vụ lúa đông xuân tính đến ngày 15/5, cả nước gieo cấy được 2.991,8 nghìn ha, bằng 99,5% vụ trước. Năng suất và sản lượng năm nay giảm so với vụ đông xuân năm ngoái do giá phân bón tăng cao nên nông dân hạn chế đầu tư, cùng với đó là ảnh hưởng của mưa trái mùa trên diện rộng trong tháng trước.

Ngành chăn nuôi phát triển ổn định, chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục do dịch bệnh được kiểm soát tốt. Trong 5 tháng đầu năm nay, với điều kiện thời tiết thuận lợi, lĩnh vực lâm nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực: Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 93,5 nghìn ha, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực thủy sản là một điểm sáng của nông nghiệp trong năm nay khi sản lượng thủy sản tháng 5 ước đạt 756,9 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 3.356,9 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hai mặt hàng cá tra và tôm nước lợ có sản lượng và đạt tăng trưởng ấn tượng nhất.

Trong 5 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản ước đạt khoảng 41,3 tỷ USD, tăng 8,6% so với 5 tháng đầu năm 2021; trong đó xuất khẩu nông sản đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%; nhập khẩu ước khoảng 18,1 tỷ USD, giảm 0,3%; xuất siêu gần 5,1 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại buổi họp, đại diện các đơn vị đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để ngành nông nghiệp đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có xuất khẩu nông sản đạt 28 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm.

Về trồng trọt - bảo vệ thực vật, tập trung thu hoạch lúa đông xuân, chăm sóc thu hoạch hè thu, xuống giống lúa mùa. Chỉ đạo sản xuất cây công nghiệp, ăn quả. Tăng cường công tác bảo vệ thực vật, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật, sinh vật gây hại.

Về chăn nuôi, một trong những sự kiện nổi bật trong tháng 6 là sản xuất thành công vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Vì vậy, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hỗ trợ tiêu thụ.

Về thủy sản, hướng dẫn địa phương phát triển nuôi trồng đối tượng chủ lực; theo dõi, dự báo ngư trường để thông tin và hỗ trợ ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả và đúng quy định. Hoàn thiện Chương trình Quốc gia Phát triển khai thác thủy sản bền vững 2021 - 2030; Đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, trong đó cũng cần lưu ý về vấn đề khai thác khi giá xăng dầu đang ngày càng tăng cao trước tác động của các cuộc cạnh tranh, xung đột địa chính trị.

Về lâm nghiệp, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm các công tác phòng cháy chữa cháy rừng, chống phá từng, cảnh báo nguy cơ và đẩy mạnh trồng rừng. Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia trình Hội đồng thẩm định.

Về hợp tác quốc tế, theo dõi tình hình trong nước, quốc tế, tránh câu chuyện ùn tắc ở biên giới phía Bắc.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với một số khó khăn, như nhu cầu lương thực ngày càng tăng theo cảnh báo của Liên hợp quốc, giá xăng dầu biến động, diễn biến thời tiết, thiên tai khó lường… Vì vậy, để chỉ đạo sản xuất hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần tập trung tính toán kỹ lưỡng ở 4 lĩnh vực tạo ra tăng trưởng gồm thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp.

Đối với vấn đề xuất khẩu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cần chú ý đến các quy định thường xuyên thay đổi, chưa hình thành đầu mối có tính hệ thống, trong khi các doanh nghiệp còn thụ động, cần có quy định cụ thể, có giải pháp để phổ biến tuyên truyền cho doanh nghiệp.