Đắk Lắk, Việt Nam – Sau hơn hai năm triển khai tại Tây Nguyên, dự án “She Feeds the World” (SFtW) tại Việt Nam đã góp phần cải thiện năng suất sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương. Được khởi động từ năm 2022, sáng kiến này tập trung thúc đẩy thực hành nông nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế và hỗ trợ người nông dân – đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số – tại khu vực Tây Nguyên.
Kể từ năm 2019, Quỹ PepsiCo đã hợp tác cùng CARE – tổ chức toàn cầu hoạt động vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo – triển khai chương trình SFtW tại 8 quốc gia (Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Peru, Colombia, Ai Cập và Uganda) với tổng ngân sách 18,2 triệu đô la Mỹ. Chương trình hướng tới việc nâng cao an ninh lương thực và dinh dưỡng cho các hộ gia đình nông thôn nghèo, đặc biệt là phụ nữ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, thông qua việc xây dựng kỹ năng, nâng cao năng lực và thúc đẩy bình đẳng giới. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ 5 triệu phụ nữ nông dân trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, dự án được thực hiện hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ từ Bộ Nông nghiệp & Môi trường – Đối tác Phát triển Bền vững Nông nghiệp Việt Nam (PSAV), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (NAEC), tổ chức CARE và Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) nhằm giải quyết các thách thức mà nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại khu vực Tây Nguyên đang đối mặt.
Thông qua việc giới thiệu các phương pháp canh tác bền vững, thúc đẩy mô hình Đối tác công tư (PPP), dự án đã giúp tăng đáng kể năng suất nông nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận tài nguyên sản xuất và mở rộng cơ hội thị trường. Các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực do dự án tổ chức đã trang bị cho người dân địa phương những công cụ cần thiết để gia tăng năng suất trong khi vẫn bảo vệ môi trường. Dự án cũng tạo điều kiện để các bên liên quan trong mô hình PPP gặp gỡ, trao đổi và nhân rộng các mô hình thành công trong canh tác bền vững, ứng dụng công nghệ và liên kết thị trường tại Việt Nam.
Tính đến tháng 4 năm 2025, dự án SFtW tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, hỗ trợ hơn 8.000 nông dân tiếp cận và áp dụng các phương pháp sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao khả năng kiểm soát và sử dụng tài nguyên sản xuất, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường. Các đổi mới trong sản xuất nông nghiệp nổi bật có thể kể đến như ứng dụng công nghệ theo dõi sức khỏe đất, hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, và sản xuất phân hữu cơ. Nhờ đó, tại các cánh đồng năng suất tăng 20%, lượng phân hóa học giảm 30%, và lượng nước sử dụng giảm 20%. Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty PepsiCo Foods Việt Nam trên gần 100 ha đất trồng khoai tây.
Trọng tâm của dự án là trao quyền cho phụ nữ nông dân – những người đã tích cực tham gia trong tất cả các hoạt động. Dự án cũng đã tổ chức các nghiên cứu cấp quốc gia và các sự kiện thường niên của PSAV về ứng dụng công nghệ, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải trong lĩnh vực rau quả. Dự án còn tận dụng mạng lưới khuyến nông cộng đồng để tổ chức các khóa đào tạo thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng tài liệu hướng dẫn nhằm nhân rộng các mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp trên toàn quốc.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (NAEC) chia sẻ: “Việc hợp tác cùng Quỹ PepsiCo và CARE đã giúp chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Dự án không chỉ giúp nâng cao sản lượng mà còn hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường hiệu quả hơn, gia tăng thu nhập, cải thiện an ninh lương thực và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn cho các hộ gia đình. Dự án cũng góp phần củng cố mô hình PPP nhằm xây dựng chuỗi liên kết nông nghiệp tiên tiến.”
Ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) Đắk Lắk, chia sẻ: “Dự án She Feeds the World đã mang lại những thay đổi tích cực rõ rệt cho người nông dân tại Đắk Lắk. Không chỉ sản lượng nông nghiệp được cải thiện mà năng lực thích ứng của cộng đồng với mô hình canh tác bền vững cũng được nâng cao. Dự án đã thực sự hỗ trợ nông dân, đặc biệt là phụ nữ, cải thiện sinh kế bền vững.”
Một trong những thành tựu nổi bật của dự án là tập trung thúc đẩy bình đẳng giới – khi hơn 60% người tham gia là phụ nữ, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của họ trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Dự án là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của sự hợp tác và tác động tích cực từ các thực hành canh tác bền vững. Sự phối hợp giữa Quỹ PepsiCo, CARE và các đối tác địa phương không chỉ cải thiện năng suất nông nghiệp mà còn góp phần thay đổi các chuẩn mực giới, giúp phụ nữ làm chủ công việc nông nghiệp của mình.”
Ông Krisintu Phumjai, Giám đốc Quỹ PepsiCo khu vực Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ: “Dự án SFtW là một ví dụ điển hình cho cam kết Pep+ toàn cầu của PepsiCo tại Việt Nam. Chương trình đã thành công trong việc lan tỏa các thực hành nông nghiệp tái sinh, cải thiện sinh kế của nông dân trong chuỗi cung ứng nông nghiệp của chúng tôi và tăng cường quyền tiếp cận tài nguyên sản xuất cho phụ nữ nông dân.” Ông cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi tự hào khép lại Giai đoạn 1 của dự án với những kết quả rõ ràng và kế hoạch cụ thể cho Giai đoạn 2 kéo dài 3 năm tới, tiếp tục hợp tác để tạo ra những thay đổi bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường thông qua việc nâng cao năng lực cho nông dân, tăng năng suất, đa dạng hóa sinh kế và nâng cao thu nhập ổn định.”
Dự án SFtW đã góp phần nâng cao an ninh lương thực, cải thiện sinh kế cho nông hộ nhỏ và thúc đẩy tiến trình đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Chính phủ Việt Nam. Khi Giai đoạn 1 kết thúc và Giai đoạn 2 chuẩn bị được khởi động, di sản của dự án sẽ tiếp tục được lan tỏa trong các cộng đồng được trao quyền và các hệ thống nông nghiệp bền vững được vun đắp. Chương trình SFtW vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng kiến tương tự trên toàn cầu, tôn vinh vai trò của phụ nữ nông dân và nông nghiệp bền vững vì một tương lai tốt đẹp hơn
Hội thảo thúc đẩy hợp tác công – tư: EUDR và chuyển đổi bền vững cho ngành cà phê2025/04/18
Chuẩn hóa chất lượng – Thúc đẩy PPP – Mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam2025/04/11
Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về chuyển đổi số trong chuỗi giá trị rau tại miền Bắc Việt Nam2025/04/02
Khóa Đào tạo về Công nghệ số trong chuỗi giá trị gạo2025/03/25
Đối tác công tư: Động lực phát triển khoai tây bền vững2025/03/14