ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Việt Nam với chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân

30/ 10/ 2017

Chính phủ vừa ra Nghị quyết số 98/NQ-CP: Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết có hiệu lực ngay từ ngày ký 03/10/2017.

Phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể: Đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh; khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 50% GDP, năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm; hàng năm, có hơn 35% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Những nhiệm vụ chủ yếu:

-          Hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.

-          Bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

-          Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động

-          Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân

Cụ thể: Sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính; Các Bộ, UBND cấp tỉnh phải tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 02 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đồng thời, sẽ sớm ban hành Nghị định kiểm soát và nâng cao chất lượng điều kiện đầu tư kinh doanh, các Nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch, xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi)…; Đến hết Quý IV năm 2018, xây dựng các Đề án về xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh, cơ chế tín dụng và bảo lãnh tín dụng, Quy chế phối hợp liên thông giữa quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán hoặc thuê nhà ở, nhà xưởng, chứng nhận tạm trú, hợp đồng cung cấp điện nước và dịch vụ viễn thông….