ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Tìm hướng phát triển xuất khẩu hồ tiêu bền vững trong bối cảnh hội nhập

23/ 08/ 2019

Sáng 23-8, tại Đắk Nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Đắk Nông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các Hiệp định thương mại tự do”.

Hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương; lãnh đạo ngành nông nghiệp, công thương của hơn 28 tỉnh trồng hồ tiêu trong cả nước, chuyên gia, nhà khoa học và các hợp tác xã sản xuất hồ tiêu tham dự.

Tại Việt Nam, cây tiêu được trồng ở 28 tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu là các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ. Từ năm 2010, diện tích tiêu tăng rất nhanh, đến năm 2017 đạt gần 152 ngàn hecta, tăng 196%, vượt định hướng phát triển trên 100.000 hecta. Diện tích cây trồng này bắt đầu giảm xuống 149 ngàn hecta vào năm 2018 và dự kiến năm nay còn 140 ngàn hecta. Nguyên nhân do khi giá tiêu giảm mạnh, nông dân đã hạn chế hoặc không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh dẫn đến cây suy kiệt, giảm sức chống chịu với dịch bệnh và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắc, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu, diện tích cây tiêu chết trong năm qua trên 22 ngàn ha.

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, năm 2019 được đánh giá là năm rất khó khăn cho ngành hồ tiêu Việt Nam khi giá bán giảm, tăng trưởng chậm so với cùng kỳ. Đây chính là thách thức cho ngành nghề sản xuất hồ tiêu Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do. 

Hội nghị tập trung đánh giá xu hướng thị trường hạt tiêu, đồng thời đưa ra một số giải pháp nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành hàng tiêu Việt Nam, như: rà soát các giống tiêu đang tồn tại; tăng cường công tác tuyển chọn vườn cây đầu dòng để có nguồn giống tốt phát triển sản xuất; tiếp tục đầu tư cho hệ thống nghiên cứu, chọn tạo và nhập nội các giống cây tiêu thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và dịch bệnh; xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển cây tiêu bền vững; phát triển theo chuỗi cung ứng để nâng cao giá trị canh tác, chế biến, xuất khẩu.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trong bối cảnh hội nhập và đáp ứng với yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do, ngành hồ tiêu Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường “khó tính”, có giá trị gia tăng cao để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện tại Việt Nam, trên cây hồ tiêu có khoảng 30 vi sinh vật gây hại, trong đó có 13 loại như bệnh chết nhanh do các loại nấm, bệnh chết chậm do tuyến trùng, rệp sáp, bệnh thán thư… thường xuyên đe dọa gây thiệt hại lớn cho sản xuất hồ tiêu. “Các địa phương cần rà soát lại toàn bộ diện tích trồng hồ tiêu, diện tích bị bệnh, diện tích đã chết để từ đó xác định cụ thể những diện tích trồng hồ tiêu phù hợp nhằm khuyến cáo nông dân tiếp tục chăm sóc. Ngoài ra, với những diện tích hồ tiêu bị bệnh nặng hoặc đã chết, người dân tuyệt đối không trồng lại mà nên chuyển đổi sang trồng các loại cây khác…để giảm áp lực bệnh và đảm bảo thu nhập thường xuyên”.

 

PSAV