ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Thủ tướng mong có một hiệu ứng lan tỏa từ Festival lúa gạo

24/ 11/ 2023

Ngành nông nghiệp mong muốn có hiệu ứng lan tỏa từ Festival, thông qua lễ ký kết biên bản ghi nhớ, nhằm chứng tỏ quyết tâm và sự đồng hành của các bên

Kỳ vọng sự lan tỏa

Tại buổi gặp mặt doanh nghiệp tham gia Festival quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức một sự kiện mang tầm quốc tế về lúa gạo. Do đó, các bên liên quan cần nghiên cứu triển khai các phương án xứng tầm với hoạt động.

“Chúng ta cần chuyển hướng làm thương mại theo kiểu mới. Đó có thể là bán những sản phẩm mà trước đây chưa từng có, hoặc tận dụng những phế, phụ phẩm trong ngành hàng lúa gạo”, Bộ trưởng nói.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng “mở biên” cho các hoạt động của sự kiện. Theo ông, lúa gạo là cây trồng chủ lực, là thương hiệu, là hình ảnh mà mỗi khi nhắc tới là bạn bè quốc tế sẽ nghĩ đến Việt Nam. Do đó, phương tiện sản xuất, vật tư nông nghiệp… trong hệ sinh thái ngành hàng đều có thể khai thác các câu chuyện, hình ảnh liên quan để có cái nhìn toàn diện và nâng tầm hạt gạo.

Chính phủ, và trực tiếp là Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm đến sự kiện. Thông qua các chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin rằng, Thủ tướng mong muốn có một hiệu ứng lan tỏa từ festival lúa gạo, thông qua việc có nhiều lễ ký kết biên bản ghi nhớ, chứng tỏ quyết tâm và sự đồng hành của các bên.

Hiện Bộ NN-PTNT triển khai và tổ chức nhiều đề án liên quan tới ngành hàng lúa gạo, trong đó có đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải và đề án cơ giới hóa nông nghiệp. Đây là bệ phóng để hạt gạo Việt Nam chắp cánh bay cao, bay xa trên thị trường quốc tế.

“Hy vọng khối doanh nghiệp sẽ có những cam kết và hành động cụ thể, chứng tỏ quyết tâm giảm phát thải, tăng trưởng xanh cho ngành hàng”, Bộ trưởng trăn trở.

Trích câu nói của một người nông dân ĐBSCL: “Chỉ cần lúa có giá, nông dân sẵn sàng ra đồng ngủ để giữ lúa. Chứ giá lúa thấp thì nông dân sẽ bỏ ruộng, đó mới là mất an ninh lương thực”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh Festival lúa gạo tại tỉnh Hậu Giang sắp tới là cơ hội để “bán hình ảnh”, không phải tìm đối tác, khách hàng để “bán hạt gạo”.

Do đó, cùng nhau, người đứng đầu Bộ NN-PTNT kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung tay giới thiệu những gì tinh túy, độc đáo, đặc trưng nhất của ngành hàng lúa gạo Việt Nam, từ đó giúp người nông dân gia tăng kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Cơ hội kết nối thị trường

Lắng nghe chia sẻ của Bộ trưởng, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp đã bày tỏ quan điểm về tổ chức festival lúa gạo sắp tới. Trong đó, tập trung vào việc làm rõ khả năng của Việt Nam trong việc chủ động về giống lúa, cũng như góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực thế giới.

Bên cạnh đó, một số cá nhân đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, tạo cơ chế giúp ngành hàng lúa gạo phát triển thương hiệu thông qua Festival lúa gạo.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND Hậu Giang, cảm ơn sự đồng hành của doanh nghiệp. Ông cho biết thêm, rằng Festival quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, đồng thời đánh dấu chặng đường trưởng thành với nhiều thành tựu của địa phương xuyên suốt thời gian qua. Chương trình do Bộ NN-PTNT cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức. 

Festival lúa gạo diễn ra từ ngày 11-15/12, bao gồm các hội thi, hội thảo trong nước và quốc tế với sự tham gia của các quốc gia có mối quan hệ bền chặt với Việt Nam về giao thương ngành hàng lúa gạo.

Đồng thời, một loạt hoạt động triển lãm bên lề, với quy mô 500 gian hàng; tạo điều kiện để người nông dân, các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế có cơ hội được giao lưu, hợp tác, tiếp cận với những kiến thức sản xuất, công nghệ mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng; đáp ứng yêu cầu số hóa ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thông minh, bền vững.

Sự kiện cũng là dịp để các tổ chức, cá nhân trong nước thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ ngành hàng lúa gạo Việt Nam và các thương hiệu nông sản có chỉ dẫn địa lý tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.