Thứ trưởng Leocadio Sebastian đánh giá, Việt Nam đã có những bước tiến rất dài trong phát triển nông nghiệp.
Ông Leocadio Sebastian - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phillipines, người có thời gian dài ở Việt Nam và hiểu về nền nông nghiệp Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã có những bước tiến rất dài trong phát triển nông nghiệp.
Tại Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững diễn ra sáng 13/12 tại Hậu Giang, ông Sebastian bày tỏ sự vui mừng khi được quay lại thăm Hậu Giang và vùng ĐBSCL. Trước khi trở về Philippines nhận chức vụ quản lý, ông từng là trưởng đại diện IRRI tại Việt Nam, từng làm việc sát sao với Bộ NN-PTNT, tham vấn khoa học công nghệ, chính sách cho Bộ.
Là người trực tiếp tham gia phát triển chuỗi giá trị lúa gạo tại Việt Nam, đặt nền móng cho phát triển gạo chất lượng cao, Thứ trưởng Sebastian nhìn nhận lại chặng đường hơn 6 năm hợp tác với Bộ NN-PTNT.
Một trong những dự án nổi bật mà ông Sebastian trực tiếp tham gia tại Việt Nam là Bản đồ thông minh giúp dự đoán xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu (CS-MAP). Các địa phương vùng ĐBSCL tham khảo công cụ bản đồ CS-MAP để chỉ đạo sản xuất lúa. Dựa vào dự báo khí hậu hàng năm, dự báo đầu vụ, các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh sẽ xác định những khu vực có thể chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt hay xâm nhập mặn ở các mức độ khác nhau, từ đó đưa ra khuyến cáo kỹ thuật giúp hạn chế thiệt hại đến năng suất và sản lượng lúa.
Ông cho biết: “10 năm trước đến Việt Nam, tôi nói chuyện với Thứ trưởng Lê Quốc Doanh về câu chuyện làm cách nào để phát triển ngành hàng lúa gạo, tăng sức cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Đến nay, các bạn đã đi được trên một con đường rất xa với rất nhiều thành tựu. Người nông dân, như tôi nhận thấy họ rất hài lòng về công việc trồng lúa, giá gạo tăng, năng suất, chất lượng tốt”.
Ông cho rằng, việc Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực lên nền sản xuất. Vì vậy, nhà quản lý cần đưa ra lộ trình rõ ràng thì mới có thể đảm bảo tính bền vững, không gây hại môi trường, cân bằng kinh tế thị trường.
Thông qua các hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Festival tại Hậu Giang, vị khách quốc tế nhìn thấy sự cởi mở của Việt Nam. Với vai trò của quốc gia dẫn đầu trong sản xuất lúa gạo, Việt Nam có trách nhiệm chia sẻ chuyên môn, kiến thức, câu chuyện về sự bền bỉ của nhà khoa học và người nông dân.
Philippines cũng đang cố gắng thay đổi để phát triển chuỗi sản xuất ngành hàng lúa gạo phù hợp hơn. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lúa gạo, Philippines mỗi năm nhập khẩu khoảng 15 triệu tấn, do đó hai nước có nhiều cơ hội để hợp tác với nhau.
“Tôi nhận thấy, nhiều người nông dân cũng không thâm canh lúa gạo hơn nữa mà sẽ chuyển sản xuất theo hướng sản xuất lúa gạo có chất lượng, giá trị cao và sản xuất bền vững. Với những thành tựu của nền nông nghiệp phát triển, Việt Nam có nhiều điều kiện để chia sẻ, giúp đỡ các quốc gia khác.
Việc Việt Nam chia sẻ, giúp đỡ các nước cũng phát triển sản xuất lúa gạo không chỉ giúp ích cho Việt Nam mà còn giúp ích cho tất cả mọi người. Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia đang định hướng phát triển sản xuất theo hướng xanh, bền vững, và đó là một lộ trình đúng đắn cần thiết. Chúng ta phải thay đổi phương thức sản xuất phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh cụ thể. Ngoài ra, chúng ta cần có sự liên kết toàn diện trong khu vực”, Thứ trưởng Philippines nhấn mạnh.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25