Lũ thấp, nguy cơ xâm nhập mặn đến sớm và sâu
Ngày 14/9 tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chủ trì Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 vùng ĐBSCL
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích gieo trồng lúa của vùng ĐBSCL năm 2023 ước đạt trên 3,8 triệu ha, tăng hơn 13 nghìn ha; năng suất ước đạt gần 63 tạ/ha và sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2022.
Vụ đông xuân 2023 - 2024, vùng ĐBSCL có kế hoạch xuống giống gần 1,5 triệu ha, năng suất ước đạt 72,24 tạ/ha, sản lượng trên 10,6 triệu tấn. Hiện Cục Trồng trọt đã đưa ra khung thời vụ và diện tích xuống giống cụ thể cho từng vùng ở ĐBSCL trong vụ đông xuân tới
Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dẫn kết quả dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trạng thái El Nino sẽ duy trì đến tháng 2/2024. Đỉnh lũ khu vực đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10. Tuy nhiên, ông Hoằng đánh giá đỉnh lũ tại các trạm ở Tân Châu, Châu Đốc sẽ thấp hơn cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn nhiều trung bình nhiều năm.
Do đó, lũ kết hợp với triều cường chủ yếu xảy ra ở vùng giữa và ven biển với khoảng 81 ô bao, quy mô trên 16 nghìn ha có nguy cơ bị ảnh hưởng. Trong đó, tỉnh Hậu Giang bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến là Kiên Giang. Dự báo, diễn biến xâm nhập mặn sẽ khó lường, nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024 sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, có thời điểm tương đương giai đoạn 2015 - 2016 và 2019 - 2020.
Để sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 thắng lợi, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị các cơ quan chuyên môn và địa phương vùng ĐBSCL tập trung gieo trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, phòng tránh hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, dự báo sinh vật gây hại để có giải pháp ứng phó kịp thời
Hệ thống thủy lợi cần được củng cố, cải tạo trên tinh thần chuẩn bị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, tích trữ sớm nước ngọt. Thứ trưởng yêu cầu Cục Trồng trọt thực hiện rà soát, xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 phù hợp, điều chỉnh linh hoạt. Đối với diện tích lúa thu đông, vụ mùa 2023 đã chín, cần khẩn trương thu hoạch nhanh gọn.
Hiện nay, lượng giống gieo sạ ở ĐBSCL bình quân là 110kg/ha, con số này quá cao so với miền Bắc (chỉ khoảng 40kg/ha). Do đó, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao ý thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ngành lúa gạo thắng lợi nhất trong 10 năm gần đây
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đánh giá, sản xuất lúa năm 2023 đạt nhiều thắng lợi nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ngoài thành công về diện tích gieo trồng, sản lượng, năm 2023 còn ghi nhận giá lúa ở mức cao và sản lượng xuất khẩu tăng.
Chia sẻ về bức tranh thị trường xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân tích, thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh gạo của Việt Nam đang bắt đầu đàm phán với khách hàng để tìm thị trường xuất khẩu gạo.
Thời điểm xuống giống vụ đông xuân sớm bắt đầu từ ngày 10/10 và bước vào tháng 1/2024 sẽ thu hoạch. Trong khi đó, vụ thu đông 2023 hiện đã bắt đầu thu hoạch và kéo dài đến tháng 12. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ thị trường xuất khẩu gạo.
Trước lo ngại từ nay đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Việt Nam có thể xuất khẩu vượt 1,2 triệu tấn gạo so với năm 2022 hay không, ông Nam khẳng định số lượng này nằm trong tầm của các doanh nghiệp Việt Nam.
“4 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp có thể xuất được 400 nghìn tấn gạo là chuyện bình thường. Bởi năng lực của doanh nghiệp tháng cao nhất xuất khẩu gạo bằng đường biển trên 800 nghìn tấn”, ông Nam lạc quan với thị trường xuất khẩu gạo những tháng cuối năm.
Cũng theo ông Nam, những năm gần đây, Philippines là thị trường xuất khẩu số 1 của gạo Việt Nam, chiếm trên 40% tổng lượng gạo xuất khẩu. Vừa qua, nhiều đối tác của nước bạn đã sang đặt vấn đề với các doanh nghiệp Việt Nam đề nghị cung cấp gạo trắng thường với giá thấp hơn từ 30 - 40 USD/tấn so với gạo của các doanh nghiệp tư nhân nhập.
Tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam không thể đáp ứng yêu cầu về chủng loại gạo này. Điều này minh chứng chất lượng gạo Việt Nam đã được nâng cao, giữ vững được thị trường, tăng sức cạnh tranh và nâng cao được hiệu quả cho người trồng lúa.
Họp rà soát đánh giá hoạt động Đối tác Phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam2024/09/09
Tôn vinh đóng góp của IRRI cho ngành lúa gạo Việt Nam2024/10/07
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chứng kiến Lễ ký hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Benin2024/10/04
Sẽ tổ chức lễ hội trái cây Việt Nam tại nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc2024/09/30