Sáng ngày 11/4/2025, tại thành phố Đà Lạt, Đối tác Phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ, tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam”.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm các mô hình đối tác công tư (PPP) phát triển nông nghiệp bền vững”, sử dụng nguồn viện trợ từ Tập đoàn Pepsico thông qua Tổ chức CARE. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2022–2025, hướng đến mục tiêu thúc đẩy hợp tác công – tư, chia sẻ và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt; nâng cao năng lực áp dụng thực hành bền vững cho nông dân; và tăng cường vai trò của phụ nữ trong chuỗi giá trị nông sản. Với những kết quả tích cực bước đầu, dự án được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng sang giai đoạn hai, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, bao trùm và bền vững tại Việt Nam.
Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả: Chuẩn hóa chất lượng – kết nối thị trường – ứng dụng công nghệ
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi hiện trạng, thách thức và giải pháp phát triển xuất khẩu rau quả Việt Nam. Ông Lê Vũ Ngọc Kiên (Viện Chiến lược và Chính sách nông nghiệp và môi trường) cho biết, rau quả hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản của Việt Nam, với tỷ lệ tăng trưởng từ 6,7% năm 2022 lên 12,4% năm 2024. Năm 2024 ghi nhận mức tăng mạnh về giá trị xuất khẩu của sầu riêng (tăng 43,5%), dừa (60,7%), xoài (48,3%), chuối (20%)... trong khi một số mặt hàng như thanh long lại giảm 15,1%.
Ông Lê Vũ Ngọc Kiên - Viện Chiến lược và Chính sách nông nghiệp và môi trường
Về thị trường, Hoa Kỳ hiện chiếm tới 58% tổng lượng xuất khẩu các mặt hàng như sầu riêng, thanh long, bưởi, chanh leo, dứa, xoài; còn Trung Quốc chiếm 63% riêng mặt hàng sầu riêng và phần còn lại cho dưa hấu, dừa, mít, chuối... Các thị trường khác gồm Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… cũng ngày càng gia tăng nhu cầu với rau quả Việt Nam.
Để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Kiên đề xuất các nhóm giải pháp như: xác định thị trường mục tiêu cho từng loại nông sản; chuẩn hóa chất lượng sản phẩm; tiếp cận hiệu quả các kênh phân phối; xây dựng thương hiệu trái cây; và thúc đẩy chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm thông qua hợp tác PPP.
Bà Hoàng Mai Vân Anh (UNIDO) đề xuất cần đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cải thiện khả năng tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng hệ sinh thái chính sách hỗ trợ chất lượng nông sản. Đồng thời, đại diện Viện Nghiên cứu Rau quả – ông Lê Như Thịnh – giới thiệu các công nghệ nhân giống invitro, chuyển gen nhằm tăng khả năng chống chịu, cũng như công nghệ chế biến hiện đại như sấy bơm nhiệt, sấy thăng hoa, chiên chân không giúp nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng rau quả.
Vai trò thiết yếu của hợp tác công – tư trong nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và xuất khẩu
Đại diện doanh nghiệp, bà Nguyễn Mai Chi – Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Công ty PepsiCo Việt Nam – chia sẻ mô hình phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy công nghệ cao và thiết lập chuỗi cung ứng kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc. PepsiCo xác định vai trò tiên phong trong thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các mô hình PPP.
Tọa đàm về vai trò hợp tác công tư trong nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam
Bà Vũ Lan Hương – Quản lý dự án Tổ chức CARE tại Việt Nam – nhấn mạnh ba yếu tố then chốt để triển khai PPP thành công: (1) xây dựng lòng tin và cơ chế đối thoại minh bạch; (2) tăng cường năng lực cho nhóm yếu thế, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số; (3) thiết kế mô hình linh hoạt, bao trùm và bền vững. CARE cam kết đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng và doanh nghiệp, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển nông nghiệp.
Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia – khẳng định, để rau quả Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu, cần chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, liên kết chặt chẽ giữa người nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp – nhà khoa học. Các doanh nghiệp hiện chủ yếu là đối tượng nắm rõ tiêu chuẩn xuất khẩu, do vậy cần mở rộng tiếp cận thông tin đến tận người sản xuất, hỗ trợ họ thực hành canh tác đạt chuẩn từ vùng trồng đến đóng gói, chế biến, logistics.
Ông Thanh cũng đề xuất tập trung triển khai các chương trình giám sát dư lượng hóa chất nông nghiệp tại các vùng trọng điểm như Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk; hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, sinh học; và tăng cường sáng kiến hợp tác công – tư nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành rau quả.
Định hướng chính sách: Tăng tốc chuyển đổi số, mở rộng hợp tác quốc tế
Kết luận Hội thảo, ông Tô Việt Châu – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường – ghi nhận những trao đổi, tham luận có giá trị của các chuyên gia, đại biểu và nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong sản xuất và xuất khẩu rau quả. Ông đề xuất tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng hợp tác công – tư để phát triển ngành hàng rau quả theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế
Hội thảo thúc đẩy hợp tác công – tư: EUDR và chuyển đổi bền vững cho ngành cà phê2025/04/18
Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về chuyển đổi số trong chuỗi giá trị rau tại miền Bắc Việt Nam2025/04/02
Khóa Đào tạo về Công nghệ số trong chuỗi giá trị gạo2025/03/25
Đối tác công tư: Động lực phát triển khoai tây bền vững2025/03/14