Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết 2 tháng đầu năm 2022 ngành nông nghiệp tăng trưởng tốt và tự tin có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 50 tỷ USD.
Khởi sắc đầu năm
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, phát huy kết quả đạt được năm 2021, 2 tháng đầu năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được kết quả rất khả quan.
"Trong bất cứ hoàn cảnh nào, an ninh lương thực vẫn được đảm bảo và vẫn là trụ đỡ, như Thủ tướng đã khẳng định là đảm bảo được cho điều kiện cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước", ông nói.
Điều đó được thể hiện qua những con số, trong lĩnh vực trồng trọt, thu hoạch và gieo trồng đã vượt 7,9%, riêng về sản lượng lương thực đã đạt 3,89 triệu tấn, tăng 10,2% và năng suất đạt 59,9 tạ/ha, tăng 2,2 %. Theo Thứ trưởng, đây là những thông tin rất quan trọng để thấy rằng an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng được đảm bảo.
Về thực phẩm, với quy mô đàn lợn hơn 28 triệu con, đàn gia cầm khoảng 525 triệu con, đàn bò gần 9 triệu con, có thể nói vẫn tăng trưởng bình thường. Cụ thể, đàn lợn tăng 2,9%, đàn bò tăng 0,9% và đàn gia cầm tăng 2%.
"Do đó, sản lượng thịt, trứng, sữa hoàn toàn đảm bảo theo chiến lược đề ra theo Quyết định 1520 của Chính phủ", lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết.
Trong lĩnh vực thủy sản, mặc dù chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố như dịch Covid-19, giá xăng dầu nhưng đến hết 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng vẫn đạt 1,2 triệu tấn, tăng trưởng 1,9% và giá cá tra, giá tôm đều đang rất thuận lợi. Dự kiến, năm nay xuất khẩu thủy sản có thể vượt 9 tỷ USD.
Về lâm nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng đang có những tín hiệu rất mừng về sản lượng gỗ tăng, phá rừng, cháy rừng giảm tới 9% và thu dịch vụ môi trường rừng với đà của 2 tháng vừa rồi, hoàn toàn có thể vượt mức 3.200 tỷ đồng và xuất khẩu sản phẩm ngành lâm nghiệp chắc chắn sẽ cán đích 17 tỷ USD.
"Nói thêm về xuất nhập khẩu, sau 2 tháng ngành nông nghiệp đạt trên 14,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hơn 8 tỷ USD và nhập khẩu 6,2 tỷ USD, thặng dư là 1,8 tỷ USD", đại diện Bộ NN-PTNT cho biết thêm.
Qua những con số trên, có thể thấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn vững vàng là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia.
Để có được kết quả trên, Thứ trưởng cho rằng về mặt chỉ đạo điều hành, Bộ NN-PTNT đã nhận dạng được tình hình, đưa ra được những giải pháp đúng vì có kinh nghiệm lăn lộn với cuộc sống, với thực tiễn.
"Chỉ có sát thực tiễn mới đưa ra được những giải pháp hiệu lực, hiệu quả cũng như nhận định các khó khăn, thách thức đang hiện hữu", ông nói.
Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp, dù số ca tăng nặng giảm nhưng lượng nhiễm mới tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào tăng rất cao, ví dụ như thức ăn chăn nuôi và thủy sản hay giá xăng dầu tăng cao.
Chưa kể, thương mại giữa Việt Nam với Nga, Ukraine đang gặp khó khăn do xung đột vũ trang xảy ra giữa 2 quốc gia này hay xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cũng đang còn nhiều vướng mắc.
Do đó, nếu không có các giải pháp, nhận định, định hướng phù hợp thì ngành nông nghiệp khó có thể tăng trưởng được.
Phát triển toàn diện các thị trường
Nhận định về khó khăn và cơ hội trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói: "Trước hết, gói phục hồi phát triển kinh tế trị giá 350.000 tỷ đang triển khai chậm và trong đó chỉ có 5.000 tỷ dành cho ngành nông nghiệp để khắc phục sạt lở bờ sông, bờ suối, an toàn hồ đập. Do đó, để đạt mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD như Chính phủ giao, ngành nông nghiệp sẽ phải có rất nhiều giải pháp".
Cụ thể, với các thị trường truyền thống, cần tận dụng tối đa đà tăng trưởng trước đây, từ giai đoạn 2016 - 2020 và sau đó là 2021 trở đi.
Ví dụ, khi xảy ra dịch Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy thì Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 2 tháng đầu năm qua vẫn tăng.
Bên cạnh đó, các thị trường ngách, thị trường mới cũng cần nghiên cứu, phát huy. Có thể nói chúng ta cần phát triển toàn diện các thị trường, vừa để phát triển xuất vừa để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
"Có thể khẳng định, một số lĩnh vực đang có nhiều lợi thế, ví dụ như cá tra. Sau 3 năm giá thấp, đến nay giá cá tra nguyên liệu đã đạt từ 27.000 - 30.000 đồng/kg và mục tiêu của năm nay là xuất khẩu đạt 2 tỷ USD. Hiện nay, các hiệp hội cá tra ở khu vực BĐSCL đang đáp ứng không kịp các đơn hàng", Thứ trưởng nói với báo chí.
Ngoài ra, ông cho rằng các mặt hàng như tôm, gỗ, cà phê, lúa gạo, điều, tiêu, cao su cũng đang vào chu kỳ có lợi thế rất lớn.
"Với những lợi thế nêu trên, đi cùng với các giải pháp đồng bộ và toàn diện, ngành nông nghiệp tự tin có thể đạt và vượt mục tiêu 50 tỷ USD", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Nguồn: Nongnghiep.vn
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25