Bên cạnh phải thích ứng với hạn - mặn, sản xuất trái cây ở ĐBSCL cần làm tốt hai yếu tố quan trọng: liên kết tiêu thụ và sản xuất an toàn thực phẩm.
Cảnh giác cao độ, thích ứng với xâm nhập mặn
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, nơi được xem là phải thích ứng với điều kiện của biến đổi khí hậu. Trong đó, sản xuất lúa đã có thể né tránh được một số loại hình thiên tai bất lợi cơ bản như: ngập lũ, xâm nhập mặn, hạn hán… bằng hệ thống công trình thuỷ lợi và các giải pháp phi công trình. Trong các giải pháp phi công trình có giải pháp xây dựng bảng đồ rủi ro khí hậu và thích ứng được xem là giải pháp mà Bộ NN-PTNT chủ động triển khai mang lại hiệu quả cao.
Cụ thể, tại các vùng ven biển, nguy cơ cao Cục Trồng trọt đã bố trí lại lịch thời vụ xuống giống sớm hơn khoảng 400.000ha ở những năm cực đoan. Những diện tích này thu hoạch trước khi xâm nhập mặn diễn ra và đồng bộ với việc vận hành hệ thống các công trình thuỷ lợi thành công.
Đối với sản xuất cây ăn trái tại ĐBSCL, diện tích đan xen nằm ở những những khu vực cù lao hoặc đất ven sông hoặc là trên vùng đất chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái. Những đặc điểm này làm cho xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước dễ tiếp cận với canh tác cây ăn trái nhiều hơn. Để thích ứng, ngành chức năng đã có những những khuyến cáo, cụ thể nhất là xây dựng hệ thống các mương vườn, ao hồ để tích trữ nước đề phòng khi hạn hán xảy ra. Bên cạnh đó là những giải pháp kỹ thuật như: tỉa cành tạo tán, bón phân nuôi cây, ủ rơm rạ vào gốc, tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm,… cũng như nhận diện và xử sâu, bệnh hại trong điều kiện nắng nóng, khô hạn. Các giải pháp trên đã đã khắc phục được thiệt hại do tình hình hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra.
Kể từ sau mùa khô 2019-2020, nông dân và ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp ở ĐBSCL đã chủ động cảnh giác với xâm nhập mặn cũng như thực hiện nhiều giải pháp để thích ứng cả trong ngắn và dài hạn. Tại Tiền Giang, mùa khô 2019-2020, xâm nhập mặn vào sâu và kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn đến vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực tại các huyện phía tây của tỉnh. Gần 5.000ha cây sầu riêng bị ảnh hưởng, trong đó thiệt hại nặng trên 3.000ha. Công tác rà soát và hỗ trợ người dân khắc phục được thực hiện nhanh chóng.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết: “Tỉnh chủ động phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam đã thực hiện các mô hình phục hồi vườn cây ăn trái, nhất là cây sầu riêng sau ảnh hưởng của hạn mặn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động thực hiện xây dựng các đập tạm khi mùa khô đến. Công tác dự báo, thông tin tình hình xâm nhập mặn được thực hiện kịp thời. Về lâu dài tỉnh cũng đã chủ động và được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT thực hiện các cống đập dọc theo tuyến đường tỉnh 864 nhằm khép kín hệ thống thuỷ lợi đảm bảo an toàn sản xuất trước hạn mặn. Đến nay, diện tích cây sầu riêng của tỉnh bị ảnh hưởng hạn mặn đã phục hồi trở lại và bà con cũng mạnh dạn tiếp tục trồng lại loại cây ăn trái giá trị cao này”.
Còn tại các địa phương khác như: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh… chính quyền cũng như người dân cũng hết sức nâng cao cảnh giác với hạn hán và xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất cây ăn trái. Cụ thể như, người dân ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) đã chủ động xây dựng hàng nghìn ao, hồ “dã chiến”, túi trữ ngọt. Nhà nông thường xuyên nạo vét mương vườn để tích trữ nước ngọt và theo dõi thông tin tình hình hạn mặn để sớm chủ động đậy cống bọng qua các nhóm zalo, báo, đài,… Hai mùa khô gần đây, dẫu tình hình xâm nhập mặn không gay gắt nhưng sự chủ động của người dân cho thấy rất quyết liệt và luôn “cảnh giác cao”.
Vừa qua, chúng tôi có dịp trở lại thăm cù lao Thanh Bình - Qưới Thiện (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Cù lao này, bà con trồng nhiều loại trái cây đặc sản có giá trị cao như: sầu riêng, bưởi da xanh, xoài,… Những lần hạn mặn trước hệ thống thuỷ lợi chưa khép kín cũng sự cảnh giác chưa cao nên đã xảy ra thiệt hại, nhiều vườn trồng sầu riêng chết trắng. Tuy nhiên, lần này chúng tôi thấy bà con chủ động ứng phó hạn mặn rất tốt.
Hai yếu tố quan trọng
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Việc thích ứng này chỉ đảm bảo giữ được sản lượng, chất lượng cây ăn trái. Đối với việc tiêu thụ trái cây trong thời điểm ĐBSCL bị điều kiện bất lợi về thị trường thì vẫn còn bị động. Nguyên nhân được ông Tùng chỉ ra: “Chuỗi sản xuất cây ăn trái chưa được mạch lạc như chuỗi ngành hàng lúa gạo.
Ví dụ trong chuỗi lúa gạo, chúng ta đã có được thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu rất ổn định và sản lượng cũng rất ổn định. Thay đổi về cơ cấu chất lượng giống thì sẽ thay đổi được thị trường tiêu thụ, giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, thời gian ngắn hạn cũng dễ thực hiện hơn. Trong khi đó, đối với cây ăn trái, chủng loại cây là cố định trong khai thác với chu kì 5 - 10 năm. Vì thế, khi có sự biến động về nhu cầu của thị trường, sự thích ứng của ngành hàng trái cây sẽ chậm hơn ngành hàng lúa gạo, sẽ khó khăn hơn”.
Cũng theo ông Lê Thanh Tùng, hiện nay, để thích ứng tốt ngành hàng cây ăn trái cần làm tốt hai yếu tố. Thứ nhất, các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cần phải có liên kết chặt chẽ hơn để có thể tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu quanh năm. Thứ hai, nhà vườn cần chủ động giảm chi phí sản xuất và tăng mức độ an toàn thực phẩm trong sản phẩm trái cây hơn nữa. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng tiêu thụ. Bởi ông cho rằng: Mức độ an toàn thực phẩm đang là yếu tố quan trọng hơn chất lượng.
Ông Tùng nói muốn làm được như vậy thì bà con cũng như doanh nghiệp phải có sự đồng thuận chung và luôn luôn nhận thức rằng: “Cạnh tranh về sản phẩm cây ăn trái nhiệt đới với các quốc gia lân cận là Thái Lan, Philippins, Indonesia, Lào, Campuchia… ngay cả tại thị trường trong nước chứ không riêng gì xuất khẩu bởi thị trường nội địa đang rất rộng lớn”. “Yếu tố đảm bảo về an toàn thực phẩm trong trái cây là yếu tố các nhà vườn, bà con nông dân phải hết sức chú ý. Trách nhiệm này là của người trực tiếp sản xuất”, ông Tùng chỉ ra.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25