ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Mỗi năm có khoảng 1.000 thay đổi về các biện pháp an toàn thực phẩm

07/ 06/ 2022

Thị trường EU, Trung Quốc liên tục ra các quy định mới khiến doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Do vậy, Văn phòng SPS đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ.

Biện pháp SPS thay đổi liên tục

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, 15 năm qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản qua các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, đặc biệt là qua thị trường Trung Quốc.

Trong khoảng 3 năm gần đây, các yêu cầu, quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cũng như quy định về xuất xứ nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, quy định về chất lượng sản phẩm luôn được quan tâm và quản lý chặt chẽ

Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức tập huấn, tham quan mô hình rau thủy canh xuất khẩu của Công ty Trang trại Trường Phúc (tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng)

"Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, hàng năm, các quốc gia thành viên WTO công bố khoảng 1.000 thay đổi về các biện pháp an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh (SPS). Tức là trung bình 1 tháng, Văn phòng nhận 100 thông tin về những thay đổi này. Do vậy, khi chúng ta sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường thì cần phải nắm được tín hiệu của thị trường, phải biết họ thay đổi cái gì. Đây là điều rất quan trọng", Tiến sĩ Nam cho biết.

Cung cấp thông tin chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp

Theo lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam, vấn đề hiện nay là người sản xuất, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, các quy định sản xuất của các thị trường

Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong EVFTA vào ngày 2/6 tại tỉnh Lâm Đồng.

Để giải quyết vấn đề này, Văn phòng SPS Việt Nam đã cùng với các diễn giả, chuyên gia, các viện nghiên cứu… cập nhật và cung cấp thông tin. Các vướng mắc của doanh nghiệp như tổ chức sản xuất, nhà xưởng, trang trại, in mã sản phẩm… theo các quy định cũng đã được Văn phòng SPS Việt Nam cập nhật và phổ biến.

Đối với các vấn đề về mã số vùng trồng, thuốc bảo vệ thực vật, Văn phòng SPS cũng ghi nhận thông tin từ người sản xuất, doanh nghiệp và làm việc với các cơ quan chức năng, trao đổi với cơ quan quản lý nước ngoài để có thông tin và giải đáp cho người sản xuất, doanh nghiệp.

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam cho biết, Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị các doanh nghiệp cần nắm các thông tin về biện pháp an toàn thực phẩm, dịch bệnh động thực vật của thị trường từ thông tin chính thức.

Hiện nay, các biện pháp SPS là bắt buộc và chỉ có cơ quan nhà nước đi đàm phán mới là cơ quan cung cấp thông tin chính thức.

Theo quy định của WTO, mỗi quốc gia khi vào WTO sẽ phải thành lập cơ quan đầu mối thông tin SPS mà Việt Nam là Văn phòng SPS Việt Nam. Do vậy các doanh nghiệp phải lưu ý để tiếp nhận thông tin.

"Trong tháng 6 này, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thực thi các hiệp định thương mại tự do, trong đó có nội dung là xây dựng cổng thông tin SPS và kiện toàn hệ thống SPS của cả nước. Khi đó, các thông tin sẽ được kết nối đến các địa phương. Đây là sự đổi mới để cập nhật thông tin thị trường", Tiến sĩ Ngô Xuân Nam nói