ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Mở kênh thông tin giữa SPS Việt Nam và đại sứ các nước

24/ 06/ 2022

Chiều 24/6 (giờ Geneva, Thụy Sĩ), Đoàn công tác Việt Nam dự Phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO hội kiến bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hiệp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác

TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam hội kiến Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tại Geneva.

Chiều 24/6 (giờ Geneva, Thụy Sĩ), Đoàn công tác Việt Nam dự Phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO hội kiến bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hiệp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác.

Tại buổi gặp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đánh giá cao công tác tổ chức, triển khai, phối hợp giữa các thành viên trong đoàn công tác. Bà cho rằng việc cụ thể, chi tiết hóa những thực thi theo cam kết SPS sẽ giúp nông sản Việt Nam nâng cao được giá trị và chinh phục được ngày càng nhiều thị trường trên thế giới.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, cung cấp trao đổi thông tin giữa các bên, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất theo tín hiệu thị trường, bà Mai đề xuất mở kênh liên lạc thường xuyên giữa Văn phòng SPS Việt Nam với Bộ ngoại giao và đại sứ các nước.

Với hệ thống đại sứ và tham tán thương mại trải khắp thế giới, bà Mai tin tưởng, đây sẽ là một nguồn dữ liệu quan trọng, giúp người sản xuất trong nước tiếp cận một cách nhanh chóng, kịp thời với các thị trường xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh tận dụng ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là một xu thế nổi trội.

"Những kết quả từ phiên họp vừa qua rất tốt đẹp. Chúng tôi mong nhận được thêm những báo cáo, phản hồi từ Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan, đồng thời lấy đó làm căn cứ để truyền tải thông điệp tới đại sứ các nước. Hy vọng, Bộ Ngoại giao cùng hệ thống đại sứ quán sẽ có cơ hội đồng hành cùng người dân thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại với các nước", bà Mai nói.

Bà Mai, sinh năm 1967 tại Hà Nội, đảm nhiệm cương vị hiện tại từ tháng 2/2020. Trước đó, bà từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Na Uy từ năm 2013 đến 2016.

Trước phiên họp của Ủy ban SPS-WTO, Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức thương mại thế giới (WTO) lần thứ 12 đã diễn ra từ ngày 12-15/6, với sự tham dự của 164 thành viên của WTO. Tại đây, Trưởng Đoàn Việt Nam - Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, rằng Việt Nam đặc biệt coi trọng những cuộc đàm phán của WTO về trợ cấp thủy sản và nông nghiệp.

Trong ngày 24/6, Đoàn công tác Việt Nam còn làm việc với Achentina. Phía bạn đề nghị Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ đăng ký nhập khẩu sản phẩm động vật và một số sản phẩm thực vật khác. Ngoài ra, Argentina cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm xuất khẩu một số sản phẩm trái cây đặc sản mà quốc gia Nam Mỹ này không có.

Argentina hy vọng, Việt Nam sớm phản hồi, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Cũng vào hôm qua, phía Pakistan đã phản hồi bằng email, rằng hiện không xem xét đề xuất nào về việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng mới hoặc các biện pháp SPS đối với việc nhập khẩu chè từ Việt Nam. Quốc gia này cũng cam kết, tất cả các biện pháp đang áp dụng đều dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử, có thể dẫn đến nguy cơ hạn chế thương mại quốc tế.

 

Trước đó, đoàn Việt Nam đã gửi email đề nghị Pakistan làm rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật về chè, cũng như các quy định về mức aflatoxin tối đa trong chè xuất khẩu.