ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Mô hình Forward Farming giúp trồng lúa giảm 1,5 - 4 triệu đồng/ha

11/ 06/ 2024

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Bayer Việt Nam vừa phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động thăm đồng, tọa đàm cùng nhà nông về giải pháp phát triển mô hình Forward Farming.

Chương trình đã tổ chức tham quan ruộng thực nghiệm quy mô 2,4ha tại xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Đồng thời, bà con nông dân cùng các chuyên gia đã trao đổi các phương thức canh tác tiên tiến tại tọa đàm với chủ đề "Tiềm năng mở rộng mô hình Forward Farming – Nông nghiệp bền vững hướng tới tương lai hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sáng kiến mô hình “Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai – Forward Farming” do đơn vị hợp tác với Bayer Việt Nam và nhiều đối tác chiến lược trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo triển khai, gồm: Sở NN-PTNT các tỉnh vùng ĐBSCL, Viện Lúa ĐBSCL, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (VinaRice).

Mô hình Forward Farming đã tích hợp được tất cả công nghệ tiên tiến nhất trong nước và quốc tế đồng hành cùng bà con nông dân. Cánh đồng đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố nhằm tiết kiệm thấp nhất chi phí sản xuất về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước và hạn chế giảm phát thải ra môi trường. Từ đó, bà con nông dân tự tin đưa sản phẩm lúa gạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.

Ông Lê Quốc Thanh đánh giá cao kết quả mô hình và vai trò của đơn vị tham gia đồng hành. Hướng tới, để mở rộng quy mô, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bayer Việt Nam và các đối tác sẽ xây dựng một kế hoạch triển khai chi tiết, tiếp tục nghiên cứu, phát triển và đánh giá hiệu quả các công nghệ. Đồng thời, mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược và đối tượng tập huấn tại các tỉnh vùng ĐBSCL.

Sự thành công của mô hình Forward Farming đã mang lại triển vọng tích cực trong việc nhân rộng mô hình canh tác lúa tiên tiến tại vùng ĐBSCL, góp phần thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao mà Bộ NN-PTNT đang triển khai.

Ông Thanh mong muốn, với bước khởi đầu này, mỗi bà con nông dân tham gia mô hình hãy trở thành những khuyến nông viên, cùng hướng dẫn, lan tỏa mô hình đến nhiều nông dân khác.

Qua 3 vụ triển khai, mô hình Forward Farming đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Rõ rệt nhất là việc kết hợp phương thức bón phân, tưới tiêu hợp lý và ứng dụng bộ giải pháp “Bội thu cây lúa - Much More Rice” của Bayer giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện tối ưu.

Mô hình đã giảm 2,5 – 3 lần lượng giống gieo sạ, từ 150 – 180kg/ha xuống còn 60kg/ha; giảm gần 50% lượng nước tưới (tương đương khoảng 110m3/ha/vụ); giảm lượng phát thải khí nhà kính 24,7%.

Bên cạnh đó, việc canh tác theo mô hình Forward Farming giúp bà con nông dân giảm 1,5 - 4 triệu đồng/ha chi phí đầu vào. Từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế từ 13,1 - 54,9% so với mô hình canh tác truyền thống.

Thông qua mô hình, hơn 4.500 nông dân tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ được đào tạo, tập huấn canh tác lúa chất lượng cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn và trách nhiệm