ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Liên kết chăn nuôi hạ chi phí sản xuất

25/ 10/ 2021

Trước việc giá thịt lợn liên tục đi xuống thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gợi mở ý tưởng về việc liên kết giữa các nông trại, giúp giảm rủi ro

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (phải) và Q. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng (giữa) thăm HTX chăn nuôi Hoàng Long, thôn Chi Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Nongnghiep.vn

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Q. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng đã thăm HTX chăn nuôi Hoàng Long, thôn Chi Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) và gia đình một hộ chăn nuôi tại huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Chia sẻ những khó khăn của bà con khi giá thịt lợn liên tục đi xuống thời gian qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong lúc giá thành sản phẩm phụ thuộc quy luật cung cầu của thị trường, người chăn nuôi cần có những biện pháp cả trong ngắn lẫn dài hạn, để hạ chi phí sản xuất, giảm thiểu rủi ro.

"Liên kết trong sản xuất sẽ góp phần giảm rủi ro và gia tăng giá trị thặng dư cho sản phẩm chăn nuôi. Ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng cần bám sát thực tiễn để có các chính sách hỗ trợ đúng đắn, kịp thời và hiệu quả cho từng chuỗi hoạt động. Trong xu thế hiện nay, hình thành các liên kết là tất yếu. Ban đầu có thể là một vài hộ ở gần nhau, chia sẻ chung nguồn nước, đường giao thông, sau đó chúng ta sẽ nhân rộng dần và định hướng ra đường lối phát triển", Bộ trưởng nói.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN-PTNT Hà Nội), thành phố hiện có khoảng 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 7.528 trang trại. Hàng năm sản xuất khoảng 4 triệu lợn giống. Đàn lợn thành phố có khoảng 1,477 triệu con, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản lượng hơi xuất chuồng ước tính 9 tháng đầu năm 2021 ước khoảng 168.000 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Trong 3 tháng cuối năm, ngành chăn nuôi Hà Nội ước có thêm khoảng 62.000 tấn thịt lợn hơi xuất chuồng.

Thanh Oai là một trong số những trọng điểm phát triển đàn lợn của thành phố. Cách trung tâm thành phố khoảng 20km về phía Nam, đàn lợn của huyện có 36.955 con, tăng 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư là chủ yếu

Trên địa bàn Thanh Oai, có 2 cơ sở giết mổ lợn, là Công ty TNHH Minh Hiền và HTX Hoàng Long; đồng thời có 2 chuỗi liên kết thực phẩm lớn. Ngoài việc tăng đàn, huyện cũng chú trọng vào công tác tiêm phòng khi số lượng tiêm vacxin lở mồm long móng là 8.400 con (đạt 145% kế hoạch) và tai xanh là 7.660 con (132% kế hoạch). Riêng vacxin dịch tả lợn được tiêm đại trà và đạt 138% kế hoạch

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (phải) thăm gia đình ông Nguyễn Đức Thanh, thôn Kim Châu, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, Hà Nội.  Ảnh: Nongnghiep.vn

Có nhiều tín hiệu lạc quan về phát triển chăn nuôi nhưng việc giá thịt lớn xuống ngưỡng 30.000 đồng/kg khiến nhiều nông hộ điêu đứng. Ông Nguyễn Đức Thanh, trú tại thôn Kim Châu, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai cho biết, nhiều lúc gia đình ông và các hộ lân cận không nghĩ tới chuyện tái đàn, chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất mới dù tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần.

Những ngày vừa qua, giá thịt lợn nhích dần lên khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt lợn vẫn kém so mức như tháng 3 và tháng 4, ở ngưỡng 70.000 - 75.000 đồng/kg. Theo Cục Chăn nuôi, giá thịt lợn có thể tăng từ giờ đến thời điểm tết.

Qua buổi khảo sát thực tế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã giao Cục Chăn nuôi thống kê cụ thể về nguồn cung thực phẩm, làm căn cứ để tính toán nhu cầu sử dụng trong các tháng cuối năm và dịp tết Nguyên đán, đồng thời có thông tin cụ thể đến người chăn nuôi.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình liên kết trong chăn nuôi về cơ sở hạ tầng, đồng thời tăng cường năng lực chế biến để nâng cao hiệu quả.

Nguồn: Nongnghiep.vn