Ngành hàng chủ lực chưa được phát huy
Tiếp tục chuyến công tác tại Bình Định, sáng 27/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về giải pháp phát triển bền vững nghề cá và ngành hàng thủy sản.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết tỉnh hiện có 3 cảng cá được công bố cảng cá loại II là Cảng cá Quy Nhơn, Cảng cá Đề Gi và Cảng cá Tam quan. Trong đó, Cảng cá Quy Nhơn có tổng diện tích vùng nước cảng 20,6ha, diện tích vùng đất cảng 3,5ha, số lượt tàu cá về qua cảng 9.800 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 40.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt 37.000 tấn/năm. Cảng cá Đề Gi có với tổng diện tích vùng nước cảng trên 10ha, diện tích đất cảng 2,5ha, số lượt tàu cá về qua cảng 7.300 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 20.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy lên cảng ước đạt 15.000 tấn/năm. Cảng cá Tam Quan có tổng diện tích vùng nước cảng 10ha, diện tích đất cảng 3,8ha, số lượt tàu cá về qua cảng 20.000 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 40.000 tấn/năm. Cả 3 cảng cá được đã Bộ NN-PTNT công bố là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Ngành hàng thủy sản chủ lực của Bình Định có cá ngừ đại dương và tôm thẻ chân trắng. Đối với ngành hàng cá ngừ đại dương, Bình Định có 3.270 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên tham gia hoạt động khai thác xa bờ, trong đó có khoảng 1.450 tàu cá được cấp phép hoạt động khai thác nghề câu cá ngừ đại dương. Tổng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương trong những năm gần đây đạt hơn 12.000 tấn/năm, chiếm hơn 50% sản lượng cá ngừ khai thác cả nước. Đối với ngành hàng tôm thẻ chân trắng, Bình Định có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 3.990ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 52.490,5ha, sản lượng tôm nước lợ năm 2021 khoảng 10.000 tấn.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch chi tiết, với quy mô 375ha; bao gồm các hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao khoa học công nghệ; sản xuất tôm giống; sản xuất tôm thương phẩm; nhà máy sản xuất thức ăn; nhà máy chế biến tôm. Hiện nay Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ đã đầu tư xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng trên diện tích hơn 116ha nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm; Công ty đã đưa vào vận hành sản xuất 10 trại nuôi tôm nhà màng; 41 trại nuôi tôm nhà lưới lan. Riêng năm 2021 tổng sản lượng đạt 1.200 tấn, năng suất đạt 40 - 50 tấn/ha.
Xuất khẩu thủy sản bộn bề khó khăn
Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), Bình Định hiện đang có 2 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mặt hàng cá ngừ đại dương. Riêng BIDIFISCO, trong năm 2021 kim ngạch xuất khẩu đạt 90 triệu USD; năm 2022 phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100 USD, 6 tháng đầu năm đã đạt trên 70 triệu USD.
Thế nhưng cũng theo bà Lan, xuất khẩu thủy sản ở Bình Định sang thị trường châu Âu (EU) đang gặp khó bởi ảnh hưởng đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài (vi phạm IUU) của ngư dân đánh bắt xa bờ. Càng khó khăn hơn khi sắp tới đây, thị trường Mỹ cũng sẽ áp dụng IUU. Chỉ thị trường EU áp dụng IUU thôi thì doanh nghiệp đã vất vả lắm rồi bởi, khi thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ bị kiểm tra 100% các lô hàng. Sự kiểm tra ngặt nghèo này khiến doanh nghiệp chậm trễ việc cung ứng hàng cho khách hang, dẫn tới nhiều bất lợi vì chi phí phát sinh.
“Từ khi thị trường EU áp dụng IUU trong nhập khẩu mặt hàng thủy sản, BIDIFISCO phải chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường để đối phó. Trước đây, sản phẩm của BIDIFISCO xuất khẩu sang thị trường EU chiếm đến 50-70% lượng hàng xuất khẩu, nhưng hiện nay chỉ còn chiếm khoảng 40%, thị trường Mỹ chiếm đến 40%, các thị trường khác chiếm 20%. Nếu tới đây thị trường Mỹ cũng áp dụng IUU thì BIDIFISCO càng chồng chất khó khăn”, bà Lan chia sẻ.
Bà Lan cho biết thêm, hạ tầng cảng cá nhếch nhác cũng là ngăn trở không nhỏ cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Bình Định là tỉnh có lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất nước, có sản lượng cá ngừ đại dương chiếm đến 50 - 60% cả nước, nhưng hạ tầng các cảng cá chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU, nên doanh nghiệp mua được hàng từ các cảng cá rồi mà không thể làm chứng nhận nên không xuất khẩu được, phải chạy đôn chạy đáo tiêu thụ trong nước.
Phát biểu của ông Kosaburo Kimura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín-Bình Định, cho thấy thêm vướng mắc về xuất khẩu cá ngừ đại dương tươi: “Mục tiêu của công ty là xuất khẩu hàng cá ngừ đại dương sasumi (ăn tươi), nhưng chất lượng cá ngừ đại dương của các tàu ở Bình Định đánh bắt chưa đạt tiêu chuẩn. Công ty Mãi Tín-Bình Định đã đầu tư 2 tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương để tự phục vụ. Nhưng 2 năm vừa qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên 2 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của công ty chưa hoạt động được. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn ngành chức năng Bình Định hỗ trợ cho 2 tàu cá của Công ty Mãi Tín Bình Định có điều kiện đi khai thác cá ngừ đại dương bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu tươi để phục vụ cho hoạt động của công ty”.
Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp ở Bình Định nêu chuyện khó khăn trong xuất khẩu thủy sản do các thị trường nhập khẩu áp dụng các tiêu chí IUU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, khắc phục “thẻ vàng IUU” không chỉ là trách nhiệm của ngành chức năng, của chính quyền địa phương, mà phải xã hội hóa trách nhiệm này.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25