Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam triển khai thí điểm cơ chế tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung. Đây được coi là giải pháp đột phá về thể chế trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả hơn, đồng thời hình thành một nền nông nghiệp hiện đại mà người nông dân vẫn được hưởng lợi ích tối đa.
Tại Thái Bình, tích tụ ruộng đất được thực hiện theo hình thức vận động người dân ủy quyền cho chính quyền địa phương ký hợp đồng với doanh nghiệp thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp với thời hạn từ 20 năm trở lên. Giá thuê tùy thuộc vào đặc điểm mỗi vùng sinh thái, điều kiện sản xuất như độ mầu mỡ của đất đai, điều kiện hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất và được điều chỉnh 5 năm 1 lần…. theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bên cho thuê và bên thuê. Sau Bằng cơ chế này, tính đến hết năm 2016, Thái Bình đã tập trung, tích tụ được 9.714 ha; trong đó, diện tích thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng là 3.292 ha và tập trung liên kết là 6.442 ha. Hiện đã có 36 tổ chức và 343 cá nhân tham gia thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất với 2 hình thức là thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng ruộng đất.
Đánh giá về các hình thức tích tụ đang triển khai tại Thái Bình, ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Thái Bình cho hay, đối với hình thức thuê đất, có thể tạo ra một diện tích đủ lớn thuận lợi cho phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và công nghệ cao theo hướng tập trung sản xuất hàng hoá mà không dẫn đến hiện tượng đầu cơ đất, không chịu ảnh hưởng của chính sách hạn điền; giá thuê đất là thoả thuận giữa bên thuê đất và bên cho thuê đất phụ thuộc vào loại đất, vị trí đất. Tuy nhiên, khó khăn của hình thức này là việc vận động được nhiều hộ dân đồng thời cùng đồng thuận cho thuê lại quyền sử dụng đất để có diện tích tập trung lớn thực hiện dự án. Đây là yêu cầu của các doanh nghiệp đòi hỏi chính quyền địa phương phải đáp ứng được để triển khai dự án.
Tại Hà Nam, tích tụ ruộng đất theo hình thức chính quyền cấp xã, cấp huyện hợp đồng thuê đất nông nghiệp của các hộ dân, chính quyền cấp tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại đúng giá thuê của nông dân. Và doanh nghiệp phải cam kết, đất này chỉ được đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, không được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Theo ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, việc chính quyền đứng ra thuê đất của dân như vậy cũng là để tạo niềm tin cho người dân có đất cho thuê, cũng như doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là có chính quyền bảo lãnh. Tuy nhiên, đây cũng là cách làm rất mới, chưa có quy định trong luật định. Nỗ lực đột phá của Hà Nam đã mang lại kết quả khả quan. Hàng loạt các doanh nghiệp lớn đã thuê đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 500 ha, thu hút các doanh nghiệp “tên tuổi” về đầu tư như: Công ty Green Việt Nam sử dụng công nghệ Nhật Bản; Công ty VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) sử dụng công nghệ nhà kính Israel; Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương - Vinaseed…/.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25