ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Kéo gần khoảng cách giữa nông dân và đổi mới sáng tạo nông nghiệp

06/ 01/ 2023

Nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó nông dân là một thành tố vô cùng quan trọng, song thực tế cho thấy khoảng cách giữa trường, viện và họ còn khá xa.

Ngày 6/1, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (NIC AU) tổ chức Hội thảo Nông nghiệp thông minh tại Việt Nam 2023 với chủ đề Xây dựng chuỗi Nông nghiệp thông minh “Từ nông trại đến bàn ăn”.

Phủ rộng tri thức để sáng kiến, đổi mới không còn manh nha

Nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời gian qua. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2022 đạt trên 53 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong đó, nông sản đạt 22,59 tỷ USD, thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, mức tăng trưởng cao nhất trong các ngành.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức từ bất ổn địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... trong khi đó quy mô sản xuất của ngành vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tỷ lệ ứng dụng công nghệ trong sản xuất còn hạn chế. Để duy trì, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và yêu cầu của thị trường trong bối cảnh công nghiệp 4.0, chuyển đổi nông nghiệp thông minh là giải pháp quan trọng

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội thảo "Xây dựng chuỗi Nông nghiệp thông minh “Từ nông trại đến bàn ăn”

“NIC AU mong muốn góp một phần công sức, trí tuệ của kiều bào tri thức người Việt Nam tại Úc nhằm thực hiện hóa nhiều sáng kiến để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển nông nghiệp hiện đại thông qua giới thiệu công nghệ mới, kết nối các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam và trên thế giới. Thông qua hội thảo, các ý tưởng thiết thực được đóng góp nhằm phát triển nông nghiệp, đặc biệt xây dựng chuỗi nông nghiệp khép kín, toàn diện, bền vững từ nông trại đến bàn ăn góp phần bảo đảm chất lượng nông sản, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu”, ông Nguyễn Phúc Bình, Chủ tịch Điều hành Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Úc cho biết.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết câu chuyện nông nghiệp thông minh đã và đang lan tỏa tại Việt Nam. “Nếu như ở Mỹ có các “tiến sĩ, chuyên gia” đi làm nông nghiệp thì trình độ nông dân tại Việt Nam khá hạn chế, như vậy việc đưa những giá trị mới, sáng tạo từ nước ngoài về Việt Nam cần có cách tiếp cận theo từng công đoạn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan “hiến kế” để những tri thức của Việt kiều được lan tỏa, áp dụng thành công với nông nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về chương trình tri thức hóa nông dân nhằm nâng cao sự hiểu biết, kỹ năng của người nông dân, tạo nền tảng tiếp cận và đón nhận làn sóng tri thức mới. “Tôi chỉ ước mơ một ngày nào đó, tri thức được phủ hết trên những cánh đồng, chuồng trại, ao bè, tri thức đi vào người nông dân. Những khái niệm học thuật như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp hữu cơ... trở thành những giáo trình nhẹ nhàng nhất để người nông dân có thể dễ hiểu, chấp nhận và dễ hành động nhất. Như vậy, những sáng kiến, đổi mới sẽ không còn manh nha mà phát triển thành chuỗi, đồng bộ, mang lại bộ mặt mới cho nền nông nghiệp Việt Nam”, ông Lê Minh Hoan kỳ vọng.

Để làm được điều này, Bộ trường kêu gọi sự chia sẻ của cộng đồng tri thức tại Úc với những đóng góp vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, vốn là lĩnh vực còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển.

Thu hẹp khoảng cách giữa đổi mới sáng tạo và nông dân

Xoay quanh nội dung xây dựng chuỗi sản xuất và phân phối nông nghiệp thông minh đảm bảo ba tiêu chí toàn diện - hiệu quả - bền vững, hội thảo Xây dựng chuỗi Nông nghiệp thông minh “Từ nông trại đến bàn ăn” nhằm tạo cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu trong việc phát triển và thúc đẩy các sáng kiến về nông nghiệp thông minh. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để các chuyên gia thảo luận các vấn đề và giải pháp về quy trình sản xuất và phát triển nông nghiệp thông minh tại Việt Nam.

Tại phiên thảo luận về công đoạn đầu tiên của chuỗi nông nghiệp thông minh gồm chọn và cải tiến giống phù hợp với nhu cầu của thị trường; phân loại, chế biến và bảo quản nông sản, TS Nguyễn Việt Tuấn, Bộ Nông nghiệp bang Victoria (Úc) dẫn nghiên cứu hệ gen trên bò sữa - góc nhìn từ Úc để nhìn nhận về ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Theo đó, ông Tuấn cho rằng Việt Nam có nhiều dự án nghiên cứu nhỏ lẻ cấp viện, trường về kiểu hình, kiểu gen của một loài nào đó song cần có một trung tâm lưu trữ tất cả những nghiên cứu này vì đây là nguồn tài nguyên quý giá.

Theo chuyên gia này, trung tâm lưu trữ hệ gen sẽ lưu trữ tất cả các dữ liệu về gen, máu, tinh trùng, trứng... của vật nuôi vào ngân hàng sinh học, được mở quyền truy cập với một số nhóm đối tượng và được các nhà nghiên cứu khai thác, sử dụng với mục tiêu mang lại lợi ích cho người nông dân.

“Bộ trưởng Bộ NN-PTNT từng nói người nông dân là một thành tố vô cùng quan trọng song thực tế lại cho thấy khoảng cách giữa trường, viện và nông dân còn khá xa. Trung tâm này sẽ là nơi liên kết giữa trường, viện nghiên cứu và nông hộ. Những người làm trong trung tâm nghiên cứu hệ gen này nên được đào tạo để biết cách truyền đạt cho nông dân. Từ đó, người dân có thể ứng dụng những thứ cập nhật nhất vào quá trình nuôi, sản xuất của họ”, ông Tuấn kiến nghị.

Liên quan đến tính kết nối giữa nông dân với chuỗi nông nghiệp thông minh, TS Nguyễn Kỳ Tài, Đại học Southern Queensland (Úc) lại cho rằng khoảng cách giữa người nông dân và những công nghệ, ứng dụng phát triển không chỉ nằm ở tư duy mà còn phụ thuộc vào quản lý, tài chính, các thể chế khác. Ông Tài cũng nêu ra những trường hợp thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp công nghệ được áp dụng rất thành công ở nước ngoài nhưng thất bại tại Việt Nam, do thiếu tính ứng dụng linh hoạt và sự phù hợp.

Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) chia sẻ quan điểm rằng các kiến thức, kinh nghiệm không nên chỉ bó hẹp ở khuôn khổ các hội thảo, hội nghị mà phải đến được với người nông dân.

Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Thư gửi Điền chủ Nông gia Việt Nam" ngày 11/4/1946 - “Nông dân ta giàu, thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh, thì nước ta thịnh” và Nghị quyết số 19 tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông Dũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.