Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Bayer CropScience tổ chức: Diễn đàn Tương lai Lúa gạo khu vực Đông Nam Á 2015, nhằm thảo luận về mối quan hệ hợp tác giữa khối nhà nước và tư nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo trong điều kiện nhu cầu lương thực cho con người ngày càng tăng và sự cần thiết của việc khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác.
Lúa là cây trồng chủ đạo và là nguồn lương thực chính trong khẩu phần ăn của người dân Đông Nam Á, với việc các nước Đông Nam Á hiện đóng góp 25% vào sản lượng gạo toàn cầu đồng thời chiếm 22% trong sản lượng tiêu thụ gạo toàn cầu. Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia xuất khẩu gạo chính của khu vực, chiếm gần 50% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, ngành nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng. “Ngành nông nghiệp hiện phải đối mặt với rất nhiều thách thức như đất cach tác bị hạn chế và thiếu hụt tài nguyên, sự thiếu hụt hoặc tăng chi phí lao động, biến động thị trường ngày càng tăng, giới hạn tín dụng cho các hộ nông dân nhỏ lẻ, các vấn đề về kháng bệnh và nhiệm vụ hiện được đặt ra là cần tăng tính bền vững”, tiến sĩ Sascha Israel, Giám đốc Bayer CropScience khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết.
Để thúc đẩy ngành lúa gạo phát triển bền vững, cần phát triển dự án chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng hợp tác đầu tư công – tư.Theo các chuyên gia, với cơ chế hợp tác công-tư (PPP), nông dân sẽ được trang bị kiến thức đầy đủ, đầu tư áp dụng được công nghệ trên diện tích lớn, gia tăng năng suất, chất lượng lúa thu hoạch.
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, hiện nay ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập như: sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, diện tích trang trại nhìn chung còn thấp; chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; công nghệ sau thu hoạch và chế biến còn hạn chế; thị trường xuất khẩu cạnh tranh gay gắt, giá thành xuất khẩu chưa cao.
Theo ông Bas Bourman, Giám đốc Quan hệ đối tác Khoa học lúa gạo Toàn cầu thuộc IRRI, thực tế cho thấy xuất khẩu gạo Việt Nam tăng hàng năm về số lượng nhưng chưa có sự gia tăng giá trị xuất khẩu cộng thêm tương ứng. Nông dân vẫn phải chịu thu nhập thấp, do đó không thể tái đầu tư vào công nghệ sản xuất, hạt giống và các sản phẩm bảo vệ mùa màng vốn có thể giúp họ tăng năng suất, cải thiện đời sống.
Hiện đã có một số dự án chuỗi giá trị lúa gạo được triển khai thử nghiệm ở An Giang, Cần Thơ, Long An và Bến Tre. Kết quả thu được tích cực, nông dân tham gia dự án giảm được chi phí đầu vào, gia tăng năng suất, giúp tăng lợi nhuận đến 40%.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25