ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về chuyển đổi số trong chuỗi giá trị rau tại miền Bắc Việt Nam

02/ 04/ 2025

Sáng ngày 2/4/2025, tại Hà Nội, Đối tác Phát triển Bền vững Nông nghiệp Việt Nam (PSAV) phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu với chủ đề “Đánh giá nhanh hiện trạng chuyển đổi số trong chuỗi giá trị rau ở khu vực miền Bắc của Việt Nam”. Sự kiện thu hút hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, doanh nghiệp, viện/trường/trung tâm nghiên cứu, tổ chức quốc tế, phi chính phủ và các hợp tác xã trồng, sản xuất rau quả.

Mục tiêu hội thảo hướng tới: Cung cấp tổng quan về nghiên cứu và chính sách liên quan đến chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau tại miền Bắc; Đánh giá nhanh thực trạng chuyển đổi số trong chuỗi giá trị rau tại Việt Nam, đồng thời đề xuất chính sách nhằm nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành.

Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu của ngành rau Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhấn mạnh tiềm năng phát triển của ngành rau Việt Nam nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và ứng dụng khoa học công nghệ. Giai đoạn 2016-2024, diện tích trồng rau tăng trung bình 1,4%/năm, trong khi sản lượng tăng 2,6%/năm, đạt hơn 1 triệu ha với sản lượng trên 19 triệu tấn vào năm 2024.

Trong lĩnh vực thương mại, rau quả là một trong ba nhóm ngành hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 7,12 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2023 và duy trì mức tăng trưởng trung bình 20,1%/năm từ năm 2011. Tuy nhiên, tỷ lệ rau quả chế biến còn thấp, với 79,5% xuất khẩu dưới dạng tươi hoặc sơ chế, gây tổn thất sau thu hoạch lên tới 20%.

Trước những yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số đã trở thành giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của ngành. Nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng như: Hệ thống quan trắc chất lượng đất và nước; Phần mềm dự báo thời tiết; Hệ thống giám sát dịch hại; Công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng QR code và blockchain.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số vẫn còn hạn chế, chủ yếu dừng lại ở một số mô hình thí điểm.

Định hướng phát triển bền vững

Theo ông Châu, nghiên cứu về hiện trạng chuyển đổi số trong chuỗi giá trị rau miền Bắc không chỉ đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ của các tác nhân trong chuỗi mà còn chỉ ra những thách thức, hạn chế và đề xuất giải pháp chính sách phù hợp.

Kết quả nghiên cứu này đóng góp quan trọng vào việc thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đồng thời hỗ trợ các sáng kiến về chuyển đổi số của Nhóm công tác PPP về Rau. Ngoài ra, nghiên cứu còn cung cấp dữ liệu quan trọng cho Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Lương thực Thực phẩm tại Việt Nam (FIH-V) và góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Châu gửi lời cảm ơn tới Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, các địa phương và cộng đồng tài trợ quốc tế đã đồng hành cùng ngành nông nghiệp Việt Nam. Bộ Nông nghiệp mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực rau quả, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Hội thảo là một bước quan trọng trong quá trình thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong chuỗi giá trị rau, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có khả năng thích ứng cao với xu thế thị trường.