ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP

22/ 05/ 2019

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để hoàn thiện, nâng cấp hơn nữa các quy định về PPP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu được thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77/NĐ-CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước. Qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi để từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế, hiện hoạt động PPP và nội dung lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP (Nghị định 63/CP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP (Nghị định 30/CP).

Theo số liệu tại Báo cáo số 25/BC-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, tính đến thời điểm hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 08 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác). Cũng theo Báo cáo này, thông qua mô hình PPP, nguồn vốn đầu tư tư nhân đã được huy động để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng.

Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn triển khai cho thấy quy định về PPP cần phải được hoàn thiện, nâng cấp hơn nữa, do vậy, việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Các chính sách mới được đề xuất tại Dự thảo Luật

Tổng kết từ kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn triển khai tại nước ta và khuyến nghị từ các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, các nhà tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào Dự thảo Luật các chính sách sau đây:

Về quy mô dự án áp dụng PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin ý kiến rộng rãi về tính cần thiết của việc quy định một hạn mức được đầu tư PPP. Tổng hợp các ý kiến nhận được, đa số thống nhất tính cần thiết phải có hạn mức và kiến nghị áp dụng PPP đối với dự án nhóm B trở lên. Theo dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi hiện nay, dự án thuộc các lĩnh vực như giao thông, điện... có quy mô từ 240 tỷ đồng đến dưới 4.600 tỷ đồng được phân loại là dự án nhóm B. Ngoài ra, qua thống kê, đa số các dự án PPP đã thực hiện có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng (233/336 dự án – 69,34%; nếu không tính hợp đồng BT, số dự án trên 200 tỷ là 113/148 dự án – 76,35%). Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng hạn mức để đầu tư PPP ở mức 200 tỷ đồng.

Về phân loại dự án PPP, liên quan đến nội dung phân loại dự án PPP, Dự thảo Luật quy định việc phân loại theo quy mô dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cụ thể như sau:

  1. a) Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 20.000 tỷ đồng trở lên.
  2. b) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án sau đây: Dự án có tổng mức đầu tư từ 4.500 tỷ đồng trở lên (trừ dự án quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này); dự án có tổng mức đầu tư dưới 4.500 tỷ đồng nhưng sử dụng vốn đầu tư công bố trí từ ngân sách trung ương từ 1.500 tỷ đồng trở lên.

Trừ dự án quy định tại điểm a, b Khoản này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo Luật đã chỉnh sửa một số nội dung về lựa chọn nhà đầu tư để phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta và các kinh nghiệm trên thế giới, cụ thể như sau: Đơn giản hóa quy trình, lựa chọn nhà đầu tư, việc phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu căn cứ báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Các nội dung trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư (như phương thức và hình thức lựa chọn nhà đầu tư; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư) được phê duyệt đồng thời tại báo cáo nghiên cứu khả thi (Điều 22 dự thảo).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.