ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Diễn đàn kinh tế thế giới cam kết đồng hành cùng Việt Nam xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo cho an ninh lương thực và bền vững môi trường toàn cầu

18/ 05/ 2022

Bền lề chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ từ 11-17/5/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) nhằm thúc đẩy viêc triển khai các sáng kiến đối tác công – tư cho an ninh lương thực và bền vững môi trường toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)

Sáng ngày 16/5/2022 (giờ New York), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã gặp và làm việc với Bà Tania Strauss, Giám đốc về các sáng kiến chiến lược toàn cầu về hệ thống thực phẩm của WEF.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng nêu rõ đóng góp của nông nghiệp Việt Nam cho an ninh lương thực trong nước, khu vực và toàn cầu. Vai trò của ngành nông nghiệp trở nên càng đặc biệt quan trọng trong điều kiện đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực, thực phẩm trong tháng 9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia cung ứng LTTP minh bạch – trách nhiệm – bền vững. Đây là nền tảng để Việt Nam hợp tác với WEF xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm (FIH) tại khu vực Đông Nam Á, và mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, dự báo, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết tham gia sáng kiến của WEF về Chương trình 100 triệu hộ nông dân sáng tạo thân thiện với thiên nhiên.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa 2 sáng kiến này thành nhiệm vụ cụ thể trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, và dự thảo Đề án thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh - chuyển đổi sang hệ thống lương thực xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ trưởng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của WEF với Bộ Nông nghiệp và PTNT trong hơn 10 năm qua, đã góp phần thúc đẩy hợp tác theo hình thức Đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Việt Nam xem đầu tư theo hình thức PPP là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp để tăng cường đầu tư vào chế biến sâu, giá trị cao, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và bền vững của người tiêu dùng toàn cầu. Bộ trưởng đề nghị WEF phối hợp chặt chẽ với Bộ để triển khai 2 sáng kiến quan trọng nêu trên, tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp xanh, phát thải thấp, đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền sản xuất quy mô hộ nhỏ lẻ, WEF đóng vai trò quan trọng, làm đầu mối để thu hút chuyên gia, tri thức, nguồn lực, kết nối đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới với các doanh nghiệp địa phương, tổ nhóm nông dân để chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo định hướng ưu tiên mới, triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế đã tham gia, đóng góp tích cực vào an ninh lương thực và bền vững môi trường toàn cầu.

Bà Tanis Strauss đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam trong hơn 10 năm qua. Các mô hình hợp tác công – tư cho phát triển nông nghiệp bền vững do WEF và Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai tại Việt Nam đã trở thành kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia khác. Bà Tanis Strauss nhắc lại sự tiên phong của Việt Nam trong triển khai Tầm nhìn nông nghiệp mới vào năm 2010 trong các hoạt động của WEF ngay sau cuộc khủng hoảng lương thực 2008. Sự hợp tác này đã tạo ra hiệu quả tích cực, thúc đẩy sự đóng góp tích cực của nông nghiệp Việt Nam cho an ninh lương thực, giảm đói nghèo, tăng năng suất và bền vững môi trường toàn cầu trong hơn 10 năm vừa qua. Bà rất kỳ vọng tính tiên phong của ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển bền vững và bao trùm, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn của kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch bệnh, xung đột giữa các quốc gia cũng như các cam kết mới về bền vững môi trường toàn cầu. Hợp tác công – tư là hình thức quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ và hệ thống quản trị theo hướng bao trùm và bền vững. WEF luôn sẵn lòng đồng hành và cam kết ở mức cao nhất để hỗ trợ Việt Nam triển khai Sáng kiến Xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm tại khu vực Đông Nam Á và Chương trình 100 triệu hộ nông dân sáng tạo thân thiện với thiên nhiên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà lưu niệm cho Bà Tania Strauss, Giám đốc về các sáng kiến chiến lược toàn cầu về hệ thống thực phẩm của WEF

Hai Bên khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn nhanh chóng thiết kế nội dung, kế hoạch chi tiết để triển khai 2 Sáng kiến nêu trên tại Việt Nam. WEF sẽ đưa các Sáng kiến triển khai tại Việt Nam thành nội dung ưu tiên trong Diễn đàn WEF Davos vào cuối tháng 5/2022 tại Thụy Sỹ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan hân hạnh gửi lời mời tới Bà Tania Strauss và Ban Lãnh đạo WEF đến thăm Việt Nam và dự Lễ khởi động triển khai 2 Sáng kiến tại Việt Nam vào cuối năm 2022

Việt Nam là quốc gia tiên phong tham gia vào việc triển khai Sáng kiến Tầm nhìn nông nghiệp mới cùng Diễn đàn kinh tế thế giới từ năm 2010. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT là thành viên chính thức trong Hội đồng Quản trị cấp cao (Steward Board) trong lĩnh vực Nông nghiệp của WEF, đóng góp tích cực vào quá trình thảo luận hình thành xây dựng các chiến lược Phát triển chung về nông nghiệp của WEF.

Đối tác Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV) đi vào hoạt động từ năm 2010 theo Sáng kiến tầm nhìn nông nghiệp mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). PSAV do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì, đại diện cho khu vực công và Công ty Nestlé Việt Nam đồng chủ trì đại diện khu vực tư nhân. Mục tiêu của PSAV là trở thành một tổ chức cầu nối quan trọng giữa các tổ chức Công (chính quyền, các cơ sở khoa học, đào tạo công lập...) với các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước theo cơ chế hợp tác công tư (PPP) nhằm góp phần xây dựng thể chế, chính sách, thu hút nguồn lực, cùng chung sức thực hiện các mục tiêu phát triển của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh và yêu cầu mới.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai 8 Nhóm công tác PPP ngành hàng, bao gồm: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, gạo, hồ tiêu, chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp, với sự tham gia của hơn 120 tổ chức, gồm các cơ quan Chính phủ, các công ty, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ.