Sáng 30/9, Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) đã họp bàn việc chuẩn bị đề xuất dự án 'Chống chịu biến đổi khí hậu tổng hợp và chuyển đổi sinh kế vùng ĐBSCL'.
Hàng loạt dự án đang được chuẩn bị đề xuất đầu tư
Theo Vụ Hợp tác Quốc tế, trong giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương vùng ĐBSCL đang chuẩn bị đề xuất 5 dự án vay vốn ODA, trong đó ngành thuỷ lợi có dự án “Tăng cường và tích hợp cơ sở hạ tầng đất và nước phục vụ phát triển và chuyển đổi sinh kế ĐBSCL”.
Về lĩnh vực nông nghiệp có hai dự án, gồm dự án “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” (vay vốn WB) và dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL” (vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)).
Về lĩnh vực thủy sản có một dự án vay vốn WB là dự án “Phát triển thuỷ sản bền vững” với 4 tỉnh ĐBSCL tham gia. Còn trong lĩnh vực lâm nghiệp có dự án “Khôi phục và quản lý bền vững rừng phòng hộ tại các tỉnh ven biển ĐBSCL”.
"Không phải chúng ta vay tiền để tiêu mà phải đạt hiệu quả"
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NN-PTNT đang có 5 dự án ở ĐBSCL trong đó có 3 dự án vay vốn WB và 2 dự án vay vốn ADB. Các dự án đầu tư hiện nay đã bao gồm các lĩnh vực thuỷ lợi, nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Không phải chúng ta vay tiền để tiêu mà mục đích cuối cùng là phải đạt hiệu quả. Phải xác định được tính hiệu quả thì chúng ta mới làm”.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng trăn trở về vấn đề hiện nay vùng ĐBSCL triển khai quá nhiều dự án đầu tư (quá nhiều dự án chứ không phải quá nhiều tiền). Trong khi ĐBSCL cần phải đảm bảo tính liên kết vùng, nếu cứ xé nhỏ dự án thì có thể phản tác dụng. Nếu Hội đồng điều phối vùng tham gia sâu hơn thì hiệu quả sẽ rất cao
Đồng ý với quan điểm trên, bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc Điều hành Hoạt động Dự án tại văn phòng WB tại Việt Nam, chia sẻ: “Việc tài trợ vốn cho các dự án phát triển vùng phải đảm bảo tính phù hợp, tính kết nối, tiếp nối để không chồng chéo. Nhóm hỗ trợ kỹ thuật của WB luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ trong quá trình Bộ NN-PTNT và các địa phương chuẩn bị dự án và đề xuất dự án, theo phương thức tích hợp các tiểu dự án thành dự án lớn nhằm đạt được mục tiêu chung của toàn vùng”.
“Đôi khi chúng ta mất sự kiên nhẫn vì thực hiện quy trình chuẩn bị quá dài. Nhưng chúng ta thấy rằng những lợi ích lớn từ dự án mang lại đấy mới là điều quan trọng. Tôi nghĩ chúng ta đã thống nhất và đồng thuận với nhau”, bà Stefanie nói.
Nguồn: Nongnghiep.vn
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25