ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

08/ 12/ 2021

Các đơn vị muốn xuất khẩu trái cây số lượng lớn ra thị trường quốc tế thì việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là điều kiện tiên quyết.

Khi sản phẩm có chứng nhận và tem truy xuất nguồn gốc, khách hàng dễ dàng kiểm tra được sản phẩm có thực sự chất lượng. Các doanh nghiệp uy tín sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn

Muốn xuất khẩu phải có mã số vùng trồng

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết: Muốn xuất khẩu nông sản đi các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand hay Trung Quốc, việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là điều kiện tiên quyết.

Các thị trường nhập khẩu hiện không cần đơn vị sản xuất áp dụng VietGAP, GlobalGAP mà yêu cầu kiểm soát mã số vùng trồng và khi đóng gói xuất khẩu không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không được phép sử dụng hoặc vượt quá hạn định. Hiện nay, 63 tỉnh thành đang áp dụng hai tiêu chuẩn 774 và 775 để kiểm soát mã số vùng trồng và đóng gói

Riêng với thị trường Trung Quốc, ông Thiệt thông tin: Hiện, có 10 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, hoàn toàn không phải tiểu ngạch như một số thông tin đã nêu. Thời gian tới, Cục BVTV sẽ tiếp tục đàm phán để xuất khẩu khoai lang, bưởi, sầu riêng.

Cũng theo ông Thiệt, nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía Trung Quốc đã sang phối hợp kiểm tra về vùng trồng khoai lang và sầu riêng. Dự kiến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ áp dụng phương pháp kiểm tra trực tuyến với các loại nông sản trên. Ngoài ra, năm 2022, Trung Quốc có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo của Việt Nam.

Đối với vấn đề "người thầy" xuất khẩu, hiện tại, các vấn đề về vốn, đầu tư cơ sở vật chất, pháp lý đều khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí, nhiều doanh nghiệp đã quá sức. Vì vậy, bà Trân bày tỏ mong muốn, để tháo gỡ việc này cần giải quyết tận gốc vấn đề truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng

Ngành nông nghiệp địa phương phải vào cuộc quyết liệt

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Muốn xuất khẩu thuận lợi cần phải sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Việc các địa phương hỗ trợ cấp truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính là đang tự xây dựng vùng nguyên liệu, tìm ra được những đặc thù của địa phương thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết tiêu thụ.

Do đó, các cơ quan chuyên môn, quản lý ở địa phương cần đồng hành, sát cánh hơn nữa với doanh nghiệp và nông dân trong công tác xây dựng truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng. Đây là trách nhiệm chính của các cơ quan quản lý như Sở NN-PTNT,… trong tư vấn, định hướng cho nông dân, không phải trách nhiệm của doanh nghiệp.

“Ngoài việc xây dựng 'người thầy' cho xuất khẩu, cũng cần xây dựng 'người thầy' cho tiêu thụ nông sản nội địa. Các vùng trồng đã có đầy đủ chứng nhận, song làm thế nào để có thể tiêu thụ thuận lợi thì vai trò của cơ quan quản lý ở địa phương đóng vai trò quyết định”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Nguồn: Nongnghiep.vn