ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Cơ hội thúc đẩy thương mại nông sản sang thị trường Đức và Thụy Sĩ

28/ 06/ 2022

Ngày 28/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh đã có buổi tiếp và làm việc với ông Philipp Rosler, lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ cùng đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ và Đức.

TS. Philipp Rosler - Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ

Mục đích của chuyến thăm Việt Nam lần này, đoàn công tác bao gồm 22 doanh nghiệp, quỹ đầu tư, quỹ khởi nghiệp lớn, uy tín của Thụy Sĩ và Đức muốn quan tâm tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến trong hai lĩnh vực lúa gạo và thủy sản của Việt Nam.

TS Philipp Rosler đánh giá cao hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam, với thế mạnh đã được khẳng định trên thị trường thế giới. Ông cho biết, Việt Nam đang ngày càng trở thành một đối tác quan trọng không chỉ đối với Thụy Sĩ, Đức mà còn với các nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm. Đoàn công tác Thụy Sĩ, Đức có hai mối quan tâm đó là sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam sang các quốc gia khác trên thế giới và bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững.

Đối với vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt là sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững, áp dụng công nghệ cũng như các chiến lược cải cách đổi mới là điều tất yếu. TS Rosler mong muốn Bộ NN&PTNT tìm hiểu về những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp Thụy Sĩ, Đức có dự định đầu tư công nghệ, số hóa trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.

Thay mặt Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh vui mừng chào đón đoàn công tác và hy vọng chuyến thăm này sẽ mở ra cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước bạn cùng tham gia các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, thủy sản,.. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng mong muốn khai thác tốt lợi thế từ Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU.

Thứ trưởng khẳng định hàng năm Việt Nam xuất khẩu từ 6 - 6,5 triệu tấn gạo với giá trị trên 3 tỷ USD, trong đó gạo chất lượng cao chiếm gần 90%, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Trong bối cảnh hệ thống lương thực, thực phẩm thế giới đang đứng trước những thách thức từ thiên tai, dịch bệnh và xung đột, Việt Nam nhìn nhận đây là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu

“Ngoài năng suất, ngành lúa gạo cần giảm chi phí đầu vào cũng như thay đổi thói quen lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân. Như vậy, chúng tôi cần sự hợp tác của các doanh nghiệp để tiếp cận các công nghệ tiên tiến giúp khắc phục những tồn tại này”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam quan tâm đến các lĩnh vực đầu tư mới vào công nghệ trong nông nghiệp nhằm phát triển bền vững, xanh hóa, giảm phát thải. Đây là lĩnh vực rất mới, đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào trong nước, giúp Việt Nam có thể đáp ứng được các định hướng xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ NN&PTNT mong muốn được hợp tác trong các lĩnh vực mà Thụy Sĩ và Đức có thế mạnh như chăn nuôi, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến rau quả, cà phê, thủy sản, đặc biệt là phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và bền vững, phát triển nuôi trồng thủy sản hữu cơ…Để tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao trong ngành thủy sản, Bộ NN&PTNT bước đầu cũng đã có các chính sách ưu đãi, đặc biệt là về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế liên quan đến thức ăn, miễn giảm thuế nhập khẩu một số máy móc thiết bị theo quy định của Việt Nam. Trong lĩnh vực thủy sản, Bộ NN&PTNT luôn coi thị trường EU là một thị trường quan trọng và rất quan tâm đến đầu tư hợp tác của các doanh nghiệp từ EU.

Đại diện đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực thủy sản Thụy Sĩ, Đức cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam cũng có những bước tiến mạnh mẽ trong vòng 10 năm trở lại đây, với những con số ấn tượng về giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, yếu tố môi trường trong phát triển ngành thủy sản chưa được Việt Nam chú trọng, dẫn đến việc chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của nhiều thị trường EU. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần phải làm quyết liệt hơn nữa trong kiểm soát sử dụng các loại chất cấm trong nuôi trồng thủy sản để ngành thủy sản tăng trưởng nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững.

Phản hồi ý kiến của đại diện đoàn công tác, Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) cho biết, Bộ NN&PTNT đã và đang tiếp tục có những giải pháp để tăng cường nhận thức của các bên tham gia chuỗi sản xuất và quản lý từ khâu phân phối đến khâu sử dụng thuốc kháng sinh để giảm chi phí đầu vào và hạn chế tồn dư chất cấm. Do đó, việc phối hợp với các doanh nghiệp Thụy Sĩ và Đức để chuyển giao công nghệ xanh trong thời gian tới sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Ông Tiệp cho biết thêm, số liệu giám sát trên diện rộng của Nafiqad về tồn dư kháng sinh theo quy định nhập khẩu EU trong thời gian gần đây đã giảm đáng kể.

“Tôi có thể đảm bảo rằng thủy sản Việt Nam có chất lượng ngon hơn và sẽ an toàn hơn các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia”, ông Tiệp khẳng định./.