Ngày 11/7, Diễn đàn Kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU diễn ra tại Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai bên.
Sự kiện do VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Ủy ban châu Âu, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tổ chức, tập trung vào các đặc điểm của thị trường Việt Nam cũng như xu hướng tiêu dùng của thị trường này. Đây cũng là một trong những hoạt động nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy phụ trách Nông nghiệp của Liên minh châu Âu, từ ngày 10-14/7/2022.
Ngoài ra, Diễn đàn nhằm cung cấp một nền tảng trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nhân về tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp, các tiêu chuẩn sản xuất bền vững cũng như các mối quan hệ đối tác có thể có giữa EU và các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Đông Nam Á. Nhân đây, các doanh nghiệp Việt Nam có thể được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các Doanh nghiệp EU để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh đầu tư mới.
Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp EU đầu tư thành công, lâu dài tại Việt Nam
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trải qua hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – EU, quan hệ giữa hai bên đang phát triển tốt đẹp, có chiều sâu và đạt nhiều thành tựu tích cực với nhiều hoạt động, cơ chế hiệu quả.
Hiệp định thương mại EVFTA rất quan trọng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển thương mại giữa hai bên, các mặt hàng trao đổi có tính bổ trợ, không cạnh tranh nhau. Thương mại nông lâm thủy sản (NLTS) hai chiều tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 5.2 tỷ USD năm 2021. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, con số này đã đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia tích cực vào chuỗi lương thực toàn cầu trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng với năng lực sản xuất lúa gạo năm 2021 đạt 43,86 triệu tấn lúa, trong đó xuất khẩu đạt 6,7 triệu tấn.
“Chúng tôi coi EU là đối tác quan trọng hàng đầu, là bạn hàng lớn, truyền thống và tiềm năm cho nông sản Việt Nam nhất là khi EVFTA có hiệu lực, tạo cơ hội lớn thúc đẩy NLTS. Bộ NN-PTNT sẵn sàng hợp tác với EU để tạo thuận lợi cho thương mại, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ quốc tế, hạn chế rào cản thương mại mới để thúc đẩy thương mại NLTS, tăng cường lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Việt Nam cũng mong muốn thu hút các dự án FDI tập trung phát triển nông nghiệp tri thức, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là công nghệ lõi, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…cụm liên kết ngành các vùng chuyên canh lớn, chế biến NLTS, nâng cao giá trị nông sản, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại logistics..
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng khẳng định sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp của hai bên nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu EU có thể đầu tư thành công, lâu dài, bền vững tại Việt Nam.
Nhìn ra cơ hội đầu tư từ các Hiệp định thương mại EVFTA
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về tình hình về thị trường và các cơ hội thương mại về nông sản tại Việt Nam.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa phương (Bộ Công thương), chia sẻ về hiệp định EVFTA và những tác động tích cực mà hiệp định này đem lại cho Việt Nam và EU. Theo đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại thực phẩm. Hiện nay hiệp định này đã thúc đẩy thương mại song phương trong nông nghiệp từ hai quốc gia.
Lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại cho Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như thủy sản, gạo, rau củ tươi, chế biến và cà phê sang EU sẽ nhìn thấy nhiều cơ hội và tiềm năng hơn khi mức thuế quan được loại bỏ.
Bên cạnh đó, EVFTA cũng là hiệp định đầu tiên và duy nhất có bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do này có 39 bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mang lại lợi ích tốt hơn cho người nông dân và doanh nghiệp. Có thể kể đến các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như nước mắm Phú Quốc, trà Mộc Châu, bưởi Đoan Hùng… Việc mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể được thông qua đàm phán trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, dòng thuế của các sản phẩm thịt (gà, bò, heo); bơ sữa, phô mai (20-40%); cao su;... từ EU sang Việt Nam được giảm đáng kể sau từ 5-7 năm thực hiện hiệp định.
“Việt Nam đã đưa ra cam kết rất cao với thuế quan cho ngành chăn nuôi dù đây là ngành nhạy cảm trong bất cứ quá trình đàm phán hiệp định thương mại tự do nào. Chúng tôi đã tham vấn ý kiến của các hội, ngành để đề ra giải pháp hợp lý”, ông Khanh cho biết.
Mức thuế đối với các sản phẩm thịt, cao su có sự chênh lệch lớn trước và sau hiệp định được triển khai. Như vậy, các doanh nghiệp EU có thể hưởng nhiều ưu đãi và lợi ích khi xuất khẩu sang Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng xuất khẩu lớn thì các nước EU cũng sẽ phải cạnh tranh từ các quốc gia khác tham gia Hiệp định CPTPP và trong khu vực để tăng thị phần tại Việt Nam.
Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch phụ trách Vận động Chính sách, EuroCham Việt Nam cho biết, EVFTA đã mở ra một thời đại mới cho thương mại giữa Việt Nam và EU. Trong thập kỷ vừa qua có nhiều chính sách thuế quan nhưng với EVFTA chúng ta có thể thấy được các thuế quan giảm nhiều và thậm chí giảm xuống 0% trong những năm tới.
Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam cũng cần đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn của châu Âu để tham gia được thị trường này.
Tại diễn đàn, các đại diện của châu Âu và Việt Nam cũng chia sẻ nhiều thông tin về thị trường, khuôn khổ pháp lý, yêu cầu về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS), logistics... tại Việt Nam để các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm châu Âu có thể tiếp cận dễ dàng tiếp cận hơn.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25