ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp không thể bỏ qua dữ liệu về đất

28/ 12/ 2022

Sức khỏe đất chịu nhiều áp lực khi Việt Nam đang là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và chịu tác động từ biến đổi khí hậu..., Cục Trồng trọt đánh giá

Chưa có dữ liệu, đánh giá chính xác về sức khỏe đất

Để bảo đảm tính bền vững của đất cũng như sức khỏe đất, phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái và hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, việc xây dựng một hệ thống giám sát các hoạt động liên quan đến sức khỏe đất là cần thiết. Nội dung này đã được nhấn mạnh tại cuộc họp khởi động dự án “Hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động sức khỏe đất quốc gia” (TCP/VIE/3901) vừa qua.

Vấn đề quản lý sức khỏe đất trồng và sức khỏe đất nói chung đang gặp nhiều thách thức tại Việt Nam như bị chua hóa, nhiễm mặn, giảm hàm lượng chất hữu cơ, bên cạnh đó là xói mòn, sạt lở, và những vấn đề nghiêm trọng hơn đặc biệt tại các vùng dễ tổn thương. Các hoạt động canh tác, thâm canh tại một số khu vực khiến cho lượng vi chất, dinh dưỡng trong đất bị kiệt quệ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân, nguồn ô nhiễm đối với sức khỏe cây trồng. Ngoài những yếu tố chủ quan, sức khỏe đất còn chịu tác động của các nhân tố khách quan khác như quá trình phát triển dân số, hiện đại hóa, đô thị hóa yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai nhiều và ảnh hưởng lớn đến độ che phủ rừng, thảm thực vật

Ông Pierre Ferrand, Cán bộ Nông nghiệp, Tư vấn Kỹ thuật, Văn phòng FAO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Ông Pierre Ferrand, Cán bộ Nông nghiệp, Tư vấn Kỹ thuật, Văn phòng FAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nêu vấn đề: “Những quá trình này diễn ra cả công khai và thầm lặng nhưng chưa có một đánh giá, số liệu chính thức để thấy được đất bị ảnh hưởng tới mức độ nào. Đồng thời, thiếu hệ thống quan trắc phù hợp để kiểm tra chính xác hiệu quả của các biện pháp quản lý đất đai, đất trồng trong nâng cao chất lượng, sức khỏe đất. Từ đó, đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm nhẹ biến đổi khí hậu”.

Đại diện FAO cũng đánh giá rằng những dữ liệu liên quan đến đất đai hiện tại chưa được cập nhật thường xuyên, một số dữ liệu đã cũ, trong khi thông tin liên quan đến quản lý đất và quá trình lập kế hoạch cho quy hoạch sử dụng đất vẫn hạn chế. Đây cũng là hạn chế để Việt Nam đáp ứng các cam kết quốc tế.

"Như vậy, việc FAO xây dựng một dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động quốc gia về quản lý đất trồng trong giai đoạn 2022 - 2026 là một trong những đóng góp kịp thời nhằm đưa ra những can thiệp trong hoạt động quản lý đất đai. Mục tiêu của dự án là đạt được tác động chung nhất, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ đa dạng sinh học, tính bền vững môi trường thông qua bảo vệ sức khỏe đất trồng", ông Ferrand cho biết.

Lồng ghép nội dung sức khỏe đất vào các dự án nông nghiệp sinh thái

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng chia sẻ nhận định sức khỏe đất đang chịu nhiều áp lực trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam đang là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với các mặt hàng như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu và tác động từ biến đổi khí hậu...

Theo thông tin từ Cục Trồng trọt, tổng diện tích cây hàng năm của Việt Nam là 10,8 triệu ha, trong đó cây ngắn ngay nằm trên đất dốc là 4,2 triệu ha, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng liên quan đến xói mòn; diện tích 5,7 triệu ha tại đồng bằng lại ảnh hưởng bởi ô nhiễm, nhất là tại các khu công nghiệp, khu dân cư và đây là đối tượng tăng phát thải, đặc biệt đối với trồng lúa

Trong thời gian qua, để cải thiện sức khỏe đất, bảo vệ đất, Cục Trồng trọt đã triển khai nhiều chương trình như chương trình về giống, cơ cấu giống, chọn tạo loại giống hiệu quả nhất thích ứng biến đổi khí hậu và sử dụng đất tốt nhất; chương trình tiến bộ kỹ thuật về canh tác, để quản lý đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, trồng xen, luân canh; chương trình chuyển cây ngắn ngày dần dần sang cây lâu năm. Tăng cường chuyển trồng thuần sang trồng xen đa tầng, ví dụ hiện nay đã có 200.000/710.000ha cà phê được trồng xen cây ăn quả, cây công nghiệp giúp giảm nước tưới, tăng cường độ che phủ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Như vậy, ông Đức đề xuất các chiến lược, hành động cần đánh giá kỹ hơn cho nhóm cây ngắn ngày và dài ngày, theo canh tác bằng cảnh quan như trồng thuần, trồng xen, theo điều kiện hạ tầng và các vùng chịu tác động của BĐKH để có biện pháp trồng trọt tối ưu cho việc bảo vệ và cải thiện sức khỏe đất.

Với vai trò và sự tham gia của nông nghiệp trong quá trình sử dụng đất, ông Đức cho rằng chương trình đánh giá đất cần có sự tham gia tích cực của Bộ NN-PTNT cùng Bộ TN-MT, đây cũng là đề xuất từ phía ngành nông nghiệp trong đóng góp sửa đổi Luật Đất đai.

“Chúng tôi nhận thấy trong giai đoạn kinh tế thị trường, đất đai ít được quan tâm vì họ quan tâm nhiều đến kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, chưa có chiến lược về sức khỏe đất, và công tác đào tạo nhân lực ngành đất vẫn chưa được chú trọng”, ông Đức nêu một số khó khăn.

Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết vấn đề sức khỏe đất là vấn đề tổng hợp, liên ngành. Với vai trò điều phối và thúc đẩy ngành nông nghiệp chuyển đổi theo hướng sinh thái, đơn vị đã đóng góp xây dựng Kế hoạch hành động Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, trong đó đặt yếu tố bảo vệ các nguồn lợi tự nhiên, bao gồm đất là vấn đề ưu tiên.

“Có thể nói đất nông nghiệp là tài nguyên quý của Việt Nam vì đất đai có hạn chế về diện tích trong khi dân số đông. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 100 triệu dân, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu lương thực. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận lại tầm quan trọng của sức khỏe đất bảo đảm sản xuất và an ninh lương thực bền vững”, ông Đào Thế Anh cho biết.

Đại diện VAAS cũng cho rằng dự án do FAO hỗ trợ cần kết hợp với các hợp phần khác trong chiến lược chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, trong đó lồng ghép yếu tố sức khỏe đất vào những thực hành để truyền thông, đào tạo nông dân, cán bộ địa phương, thay đổi tư duy nhận thức, tác động các cấp khác nhau để “tránh tư duy chộp giật, khai thác triệt để tài nguyên đất mà không để ý đến tính bền vững của đất nông nghiệp”