ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Chuyển đổi số cho người nông dân như thế nào

07/ 10/ 2022

Chuyển đổi số phải có lộ trình, cụ thể chứ không thể nóng vội. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công khi việc thực hiện phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022, chiều ngày 6/10, tại Thanh Hóa diễn ra hội thảo chuyên đề: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh”.

Phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề, ông Hoàng Việt Chọn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Nông nghiệp là ngành có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và giữ vai trò chiến lược đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu là chìa khóa cho phát triển bền vững”.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi - Bộ NN&PTNN

Sở NN&PTNT Thanh Hóa coi hội thảo này là cơ hội quý để ngành nông nghiệp tìm kiếm được những giải pháp mang tính đột phá cho nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Cũng tại hội thảo, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNN) cho biết: “Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp được xây dựng trên 3 trụ cột chính gồm: Chính phủ số tại các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp; kinh tế số nông nghiệp; nông thôn số, nông dân số.

Chuyển đổi số là một hành trình xuyên suốt, liền mạch nhằm thay đổi toàn diện nền nông nghiệp Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Trước yêu cầu cấp thiết của thực tiễn sản xuất, định hướng phát triển theo chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, Cục chăn nuôi được Bộ NN&PTNT giao là đơn vị chủ trì triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi”.

Riêng lĩnh vực chăn nuôi, ông Chinh đánh giá thêm: “Hệ thống cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng, đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ thông tin hai chiều giữa người dân và cơ quan quản lý nông nghiệp dễ dàng cập nhật, chia sẻ và tích hợp với các nền tảng dữ liệu nông nghiệp; giúp cho người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính để đăng ký chăn nuôi.

Việc tuân thủ các quy định về quản lý trong chăn nuôi sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Phóng viên NNVN đã có những trao đổi nhanh với ông Tống Xuân Chinh bên lề hội thảo.

Theo ông, ngành nông nghiệp Thanh Hóa có lợi thế gì trong việc thực hiện chuyển đổi số?

Hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa rất chú trọng chuyển đổi số. Đây cũng là địa phương có đóng góp lớn đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và đảm bảo an ninh lương thực cho gần 4 triệu dân trong tỉnh nói riêng.

Thanh Hóa đang có sức hút mạnh mẽ để phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là đóng góp của Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong số thu ngân sách. Do vậy việc chuyển đổi số trong nông nghiệp của Thanh Hóa sẽ thuận lợi hơn, bởi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ tạo nguồn lực, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông, việc chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Thanh Hóa cần phải bắt đầu từ đâu?

Ngành nông nghiệp có rất nhiều chuyên ngành. Tôi nhất trí với quan điểm của lãnh đạo Sở NN-PTNT đó là, chọn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để thực hiện chuyển đổi số.

Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực nên chọn các nội dung căn cốt để tập trung thực hiện một cách khả thi. Ví dụ, trong lĩnh vực thủy sản phải chọn chuyển đổi số trong quản lý hệ thống tàu thuyền. Trong chăn nuôi phải chọn các cơ sở sản xuất về thức ăn chăn nuôi...

Một số ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn bởi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhiều nơi còn manh mún, nhỏ lẻ. Việc tiếp cận các thành tựu khoa học của người nông dân cũng gặp nhiều khó khăn do trình độ, nhận thức còn hạn chế. Ông có thể gợi mở một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn không?

Thanh Hóa có thể nói là một Việt Nam thu nhỏ. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn có sự manh mún, nhỏ lẻ. Vấn đề đặt ra là chuyển đổi số như thế nào với bức tranh nông nghiệp như vậy.

Để làm được điều này, người nông dân phải trở thành viên của tổ chức sản xuất, hợp tác xã. Các hợp tác xã phải tiếp cận chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng công nghệ vào sản xuất và tổ chức hoạt động của hợp tác xã, hướng dẫn người nông dân tiếp cận các ứng dụng khoa học trong sản xuất trên nền tảng số.

Mặt khác, chuyển đổi số là vấn đề lớn, trong khi nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng còn hạn hạn. Nhưng nếu chúng ta không làm từ bây giờ thì không biết bao giờ chúng ta mới bước đi những bước đi đầu tiên.

Do đó, muốn chuyển đổi số thành công phải có sự quyết tâm thống nhất cao của hệ thống chính trị. Mặt khác, trong lúc nguồn lực để đầu tư hạ tầng chuyển đổi số còn hạn hẹp, cần phải huy động nguồn lực xã hội (xã hội hóa - PV) để làm động lực thúc đẩy chuyển đổi số.

Trung ương, tỉnh cũng cần có chính sách để hỗ trợ các địa phương trong việc chuyển đổi số để làm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp có tính bền vững.

Ông kỳ vọng gì từ việc chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Thanh Hóa trong thời gian tới?

Chuyển đổi số phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể chứ không thể nóng vội được. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công khi việc thực hiện phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.