Các địa phương cần vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ngày 7/1, Bộ NN-PTNT đã gửi văn bản số 110/BNN-VP tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai một số giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Thời gian qua, tình trạng nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc khi vào vụ thu hoạch vẫn xảy ra. Mặc dù, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, tuy nhiên vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”, những khó khăn trong xuất khẩu nông sản dự kiến sẽ còn kéo dài.
Để chủ động chỉ đạo sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chủ động rà soát năng lực, nhu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản; thực hiện có hiệu quả công tác kết nối tiêu thụ nội địa giữa các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, bà con nông dân với doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến, các hệ thống phân phối, tiêu thụ hoặc thông qua các Diễn đàn Kết nối tiêu thụ nông sản (như Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ NN-PTNT,…).
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị, khuyến khích các doanh nghiệp tại địa phương thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Cùng với đó, duy trì theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất tiêu thụ, nhất là tình hình trước và sau Tết Nguyên đán 2022 nhằm đảm bảo cân đối cung cầu phục vụ nhu cầu tại chỗ và nhu cầu tiêu thụ nội địa liên vùng; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc điều tiết thời điểm xuất khẩu hàng nông sản.
Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở NN-PTNT rà soát cụ thể quy mô, sản lượng các loại nông sản chủ lực, triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp mã số vùng trồng, quản trị vùng trồng, mã số định danh vùng nuôi, mã số ao nuôi thủy sản; thực hiện chuẩn hóa chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,… và các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu quy định.
Các tỉnh, thành phố cần quan tâm chỉ đạo việc quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu nhằm phân loại, sơ chế, bảo quản, nâng cao giá trị và bảo đảm chất lượng nông sản trước khi tiêu thụ, xuất khẩu. Xây dựng phương án tổng thể chế biến nông sản theo từng mùa vụ, đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương.
Song song, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản, khai thác tối đa các Hiệp định FTA đã ký kết
Nguồn: Nongnghiep.vn
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25