ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Á - Phi - Mỹ thúc đẩy khung tầm nhìn cho hợp tác Nam – Nam

25/ 04/ 2023

Hội nghị bàn tròn liên khu vực cấp Bộ trưởng thống nhất nhiều nội dung quan trọng để thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm thông qua hợp tác Nam - Nam

Bộ trưởng Nông nghiệp và thực phẩm các nước Việt Nam, Campuchia, Ethiopia, Ghana, Malawi, Rwanda và St.Vincent và the Grenadines cùng tham dự Hội nghị bàn tròn cấp bộ trưởng để thúc đẩy đầu tư bền vững, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cơ hội lồng ghép giới trong hệ thống lương thực, thực phẩm thông qua hợp tác Nam - Nam.

Sự kiện do Bộ NN-PTNT, tổ chức Grow Asia và Liên minh Hành động Lương thực (FAA) tổ chức bên lề Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Chương trình hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT hưởng ứng sáng kiến của Diễn đàn kinh tế thế giới và thiết lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Lương thực thực phẩm (FIH) cho khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV) - một sáng kiến về Hợp tác công tư rất thành công giữa Bộ NN-PTNT cùng hơn 130 đối tác từ nhiều khu vực khác nhau trong ngành nông nghiệp.

Trong khuôn khổ FIH và PSAV, nhiều chương trình, sáng kiến, dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực LTTP được triển khai hết sức thành công và có tiềm năng để được nhân rộng hơn nữa như mô hình liên kết chuỗi cà phê; sáng kiến ứng dụng công nghệ drones trong việc sử dụng, quản lý thuốc bảo vệ thực vật; mô hình sản xuất gạo phát thải thấp; xây dựng và chuyển giao công nghệ kho lạnh nông sản gắn với vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu… Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác và chia sẻ.

“Hợp tác Nam - Nam là hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển. Cộng đồng quốc tế thống nhất rằng hợp tác Nam - Nam giữ vai trò quan trọng của quan hệ đối tác toàn cầu cho sự phát triển nói chung và đối với việc đạt các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ.

Hợp tác Nam - Nam cung cấp những giải pháp cụ thể với những thách thức phát triển chung của toàn cầu; chia sẻ những bài học thực tiễn tốt nhất, tài trợ cho các dự án thí điểm, cung cấp vốn cho việc mở rộng các dự án thành công, cung cấp hàng hóa khu vực công cộng, phát triển và áp dụng thích hợp các công nghệ.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tăng cường và mở rộng hợp tác song và đa phương với các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và Carribe. Đối với nhiều nước châu Phi, Việt Nam có quan hệ hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực như an ninh lương thực, hợp tác nông nghiệp, giảm nghèo và bảo vệ môi trường...

Trong hầu hết quan hệ đối tác với các nước khu vực này, Việt Nam đóng vai trò là bên chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kiến thức, đặc biệt là thông qua hình thức cử chuyên gia đi đào tạo và chuyển giao công nghệ. Thời gian gần đây, Việt Nam cũng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương với nhiều nước như Angola, Mozambique, Egypt, Libia... trong các lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo, phát triển cây cao su, cà phê, điều, rau quả, nuôi trồng thủy sản...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự tin tưởng, với sự có mặt của các Bộ trưởng tới từ nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh và đại diện của nhiều nước và tổ chức tài trợ sẽ là cơ hội để chúng ta trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng các dự án hỗ trợ kỹ thuật, hướng tới cùng nhau xây dựng một thế giới không còn đói nghèo, bảo vệ và phát triển hành tinh xanh.

Thúc đẩy hợp tác liên vùng

Cuộc đối thoại cấp cao được thiết kế và điều phối bởi lãnh đạo Liên minh cách mạng xanh châu Phi (AGRA) và Viện Hợp tác Nông nghiệp Liên Mỹ (IICA) với sự tham gia của các bên liên quan gồm hơn 40 lãnh đạo cấp cao từ phía Nam.

Hội nghị bàn tròn đã nhấn mạnh sự cần thiết đối với các quốc gia châu Phi, châu Á và châu Mỹ trong thiết lập một khung tầm nhìn cho Hợp tác Nam - Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.

“Để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm hướng tới sự bao trùm, khả năng chống chịu tốt và bền vững, chúng ta cần phải thúc đẩy hợp tác liên vùng nhằm huy động các nguồn lực và các phương án triển khai, đo lường, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. AGRA cam kết thúc đẩy hợp tác nhằm giúp hệ thống thực phẩm vượt qua các cuộc khủng hoảng hiện tại và trong tương lai”, TS Agnes Kalibata, Chủ tịch AGRA kiêm đặc phái viên của Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực thế giới 2021 cho biết.

Tại hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng, nhiều chủ đề chi tiết được thảo luận bao gồm chia sẻ kinh nghiệm từ các chiến lược thành công trong thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam; vai trò lãnh đạo cấp khu vực và sự can thiệp đa quốc gia trong khối ASEAN nhằm thúc đẩy đầu tư bền vững từ khu vực tư nhân.

Hội nghị cũng nhằm thảo luận những tiến trình cần thiết trong thúc đẩy khuôn khổ phát triển quốc gia thông qua lồng ghép các chiến lược trong hệ thống lương thực thực phẩm và doanh nghiệp tại châu Phi. Những sự can thiệp như vậy có thể giúp nâng cao thu nhập và sinh kế của các doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng như cộng đồng nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

“Hợp tác Nam - Nam là cơ hội quan trọng để thúc đẩy hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, bao trùm và chống chịu tại các quốc gia đang phát triển. Bằng cách hợp tác cùng nhau và chia sẻ những thực hành tốt ở ba lục địa, chúng ta có thể nhân rộng giải pháp cho các thách thức chung và trao quyền cho các doanh nghiệp nông thôn quy mô nhỏ đóng vai trò dẫn dắt trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi mong muốn những sự hợp tác hiện tại với các đối tác từ FAA, AGRA, IICA sẽ giúp lan tỏa hơn nữa việc chia sẻ tầm nhìn và giá trị trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm”, bà Beverley Postma, Giám đốc điều hành tổ chức Grow Asia cho biết.

Nhận thấy cơ hội lớn mà Hợp tác Nam - Nam mang lại cho các khu vực châu Phi, châu Á và châu Mỹ, các nhà tổ chức nhất trí vai trò của sự lãnh đạo chung trong thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm trên con đường định hình chương trình nghị sự về hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu.

Các sự kiện sắp diễn ra liên quan đến vấn đề này phải kể đến Hội nghị kiểm kê hệ thống lương thực thực phầm của Liên hợp quốc vào tháng 7/2023, Hội nghị Thượng đỉnh về Lương thực thực phẩm tại châu Phi vào tháng 9/2023, COP28 vào tháng 11/2023 và các khoảnh khắc mang tính cột mốc quan trọng cấp khu vực và thế giới.

“Mọi quốc gia trên thế giới đều dành ra không gian lớn để cải thiện hệ thống lương thực thực phẩm nhằm đạt được các mục tiêu toàn diện về con người, hành tinh, thịnh vượng. Như chúng ta thấy tại Hội nghị thượng đỉnh về lương thực thực phẩm Liên hợp quốc, các quốc gia phát triển tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ tiếp tục vai trò dẫn dắt trong thực hiện chương trình nghị sự về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và thúc đẩy tiến trình này bằng cách học hỏi từ nhau và hỗ trợ lẫn nhau thông qua Hợp tác Nam - Nam”, ông Adam Gerstenmier, Giám đốc điều hành Liên minh hành động lương thực (FAA).

“Khủng hoảng ngày càng sâu rộng với sự tác động càng lớn của biến đổi khí hậu, hậu quả kinh tế xã hội kéo dài của đại dịch Covid-19 và sự leo thang của chi phí năng lương, lương thực, phân bón do tác động của tình hình xung đột Đông Âu, chúng ta càng cần thắt chặt hợp tác hơn nữa. Đây là tinh thần của Hợp tác Nam - Nam, mà ở đây chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng với mục đích xây dựng các cầu nối, chúng ta có tận dụng hết tiềm năng cùng nhau trên mọi lĩnh vực. Đây là lí do vì sao chúng ta ưu tiên cuộc đối thoại liên lục địa này”, TS Manuel Otero, Tổng Giám đốc Viện Hợp tác Nông nghiệp Liên Mỹ (IICA).