ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

6 tháng, xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng trưởng 14% so với cùng kỳ

04/ 07/ 2022

Ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 4/7

Nhiều ngành tăng trưởng ấn tượng

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, có những yếu tố chúng ta dự báo được nhưng cũng có nhiều yếu tố chưa dự báo được.

Cụ thể, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Xung đột tại Ukraine khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo kinh tế thế giới còn tiếp tục gặp nhiều khăn, có khả năng suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19 và tình hình hiện nay, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới so với đầu năm.

Lạm phát tăng ở mức cao ở hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều đối tác, quốc gia lớn thay đổi chính sách về kinh tế và chống dịch. An ninh lương thực, an ninh năng lượng đang là vấn đề lớn. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp sau một thời gian tạm lắng, kể cả tại những nước có hệ thống y tế tiên tiến.

Trong nước, chúng ta có những thuận lợi do kế thừa thành quả của nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời cần khắc phục nhiều vấn đề nội tại, hạn chế, bất cập, tiếp tục xử lý những vấn đề tồn đọng nhiều năm, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên và giải quyết các vấn đề phát sinh, đột xuất, đặc biệt là sức ép lạm phát rất cao, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đứt gãy các chuỗi cung ứng…

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, tình hình kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt đạt kết quả ấn tượng nhưng tình hình kinh tế-xã hội còn một số khó khăn cần tiếp tục giải quyết.

Nhấn mạnh cần tiếp tục xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi và thời cơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận thẳng thắn, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được trong 6 tháng đầu năm; nhận định khách quan, trung thực, đầy đủ, toàn diện về các kết quả, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm, khó khăn, thách thức chính hiện nay, đặc biệt các địa phương cần chia sẻ những kinh nghiệm hay cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những trọng tâm trong thời gian tới.

Xuất khẩu nông sản tăng 14%

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng qua đạt gần 29 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ.

Theo ông Lê Minh Hoan, một số định hướng lớn sắp tới của ngành nông nghiệp là đẩy mạnh phát triển trồng ngô, đậu tương để giảm phụ thuộc nguyên liệu thế giới; đẩy mạnh việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hữu cơ; phát triển nuôi biển công nghiệp, giảm áp lực khai thác tự nhiên... để chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái, bền vững.

Đặc biệt, Bộ NN-PTNT sẽ cùng các cơ quan liên quan để nghiên cứu, triển khai việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, nhưng các địa phương cũng cần chủ động các giải pháp hỗ trợ.

Về tổng thể, theo Bộ KH-ĐT, 6 tháng đầu năm, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch.

Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ ; nhiều địa phương động lực đã đạt mức tăng trưởng GRDP cao như: Hà Nội (7,79%), Bắc Giang (24,0%), Bắc Ninh (14,7%), Thanh Hóa (13,41%), Quảng Nam (12,8%), Khánh Hòa (12,58%), Hải Dương (11,82%), Hải Phòng (11,1%), Quảng Ninh (10,66%), Vĩnh Phúc (10,1%), Đà Nẵng (7,23%), Đồng Nai (7,06%), Bình Dương (6,84%)…

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiệm cận mức tăng tại thời điểm trước dịch. Tình hình đăng ký doanh nghiệp rất tích cực. Tính chung 6 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp; trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 76.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay.