ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU theo hiệp định EVFTA

29/ 12/ 2021

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tháng 8/2020, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang thị trường EU đạt 3,37 tỷ USD, tăng gần 300 triệu USD so với tháng 7 và tiếp tục khởi sắc trong tháng 9/2020

Cắt băng Lễ công bố xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên của Lộc Trời Group sang EU

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU đạt 22,9 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân của sự sụt giảm là do cầu xuống thấp tại EU do tác động của dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Nếu tính xuất khẩu sang toàn châu Âu, kim ngạch trong tháng 8 ghi nhận 4,2 tỷ USD, lũy kế 8 tháng là 28,47 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ.

Với kết quả thực hiện kể trên, có thể thấy hoạt động xuất khẩu sang EU chưa có nhiều tác động đáng kể, dẫu đây là tháng đầu tiên EVFTA đi vào thực thi, tạo điều kiện cho nhiều loại hàng hóa của nước ta có cơ hội được giảm thuế ngay về 0%, hoặc theo lộ trình từng ngành hàng.

Kết quả này cũng phản ánh đúng trực trạng của hàng hóa xuất khẩu vốn đang chịu không ít ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh tác động lên tổng cầu tiêu dùng hàng hóa tại EU.

Tuy nhiên, kể từ tháng 9, hoạt động xuất khẩu sang EU có nhiều khởi sắc bởi từ đầu tháng 9 đến nay, các doanh nghiệp liên tục thực hiện các lô hàng xuất khẩu tận dụng EVFTA, với các mặt hàng nông thủy sản quan trọng như tôm, trái cây cà phê, lúa gạo...

Ngày 11/9, tại Nhà máy chế biến tôm Thông Thuận tại tỉnh Ninh Thuận đã làm lễ xuất khẩu lô tôm thẻ chân trắng, làm theo tiêu chuẩn ASC, xuất khẩu sang Đức, Hà Lan và Anh với tổng trọng lượng 60 tấn. Theo kế hoạch, mỗi tháng, doanh nghiệp này sẽ xuất khoảng 700 tấn tôm sang EU. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, đơn hàng tôm tháng 8 của Việt Nam đã tăng 10%, xuất khẩu tăng 20%. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành tôm đang có cơ hội bứt phá ngoạn mục nhờ EVFTA. Dự báo khả quan cho thấy Việt Nam có thể đạt kim ngạch 4 tỷ USD trong năm nay.

Trong các ngày 16, 17/9, Công ty VINA T&T đã xuất lô hàng gồm container 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long do Công ty Vina T&T xuất khẩu sang EU bằng đường tàu biển và hàng không, còn Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao xuất khẩu 100 tấn chanh leo cô đặc đi EU. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, việc giảm thuế theo EVFTA đang giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường EU, hứa hẹn trái cây Việt Nam sẽ có thị phần lớn tại thị trường tiềm năng này trong thời gian tới, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 lắng dịu, nhu cầu tiêu dùng tại EU tăng cao trở lại. Dự kiến trước mắt mỗi tuần Công ty Vina T&T xuất khẩu khoảng 20 tấn trái cây các loại sang EU, sau đó sẽ tăng dần.

Ngày 16/9/2020, tại Gia Lai, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp sản xuất-xuất khẩu cà phê của Việt Nam vinh dự xuất lô sản phẩm cà phê đầu tiên đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Để vào được thị trường này, sản phẩm cà phê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường. Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho biết, hàng năm Công ty đã xuất sang thị trường châu Âu khoảng 50-70 nghìn tấn cà phê gồm các sản phẩm như cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê tinh và cà phê sạch. Riêng đợt này, Công ty đã xuất khẩu 296 tấn cà phê sang thị trường Đức và Bỉ. Hiện sản phẩm cà phê của Công ty đã đạt toàn bộ các chứng chỉ Quốc tế cho 25.000 ha cà phê. 

Sáng ngày 22/9, tại Nhà máy lương thực Thoại Sơn (thuộc Lộc Trời Group) đã diễn ra Lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm của Lộc Trời sang EU theo hiệp định EVFTA. 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9/2020. Gạo là mặt hàng tiềm năng của Việt Nam tại thị trường EU, 8 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gạo đi châu Âu đạt gần 16.000 tấn gạo, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD, trong khi đó từ ngày 4/9 đến ngày 17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4,3 nghìn tấn gạo thơm.

Ngoài nhóm hàng nông sản, những ngành hàng kỳ vọng tạo nên kim ngạch đáng kể tại EU phải là điện thoại, linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, giày dép...