ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Việt Nam và Ngân hàng Thế giới Ký kết Thỏa thuận Cắt giảm Phát thải Carbon và Giảm phá rừng

23/ 10/ 2020

Bộ Nông nghiệp &PTNT Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân Hàng Thế Giới (WB), mở ra khoản tài chính 51,5 triệu USD cho những nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải carbon từ việc mất rừng và suy thoái rừng trong giai đoạn từ nay cho tới năm 2025. Theo Thỏa thuận Chi trả Giảm phát thải (ERPA), Việt Nam dự kiến sẽ giảm phát thải 10,3 triệu tấn khí carbon ở sáu tỉnh miền Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế và qua đó nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ FCPF.

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn và bà Carolyn Turk- Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ

Chương trình Giảm phát thải của Việt Nam được xây dựng nhằm xử lý các nguyên nhân cơ bản của việc mất rừng ở vùng Bắc Trung Bộ, từ đó giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng. Chương trình đồng thời cũng hỗ trợ việc phục hồi rừng. Khu vực này được lựa chọn vì tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và tình hình kinh tế xã hội. Khu vực dự án bao gồm 5,1 triệu héc-ta đất (16% diện tích đất của cả nước), trong số đó 3,1 triệu héc-ta là rừng, và bao gồm năm hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Dân số của khu vực này là khoảng 10,5 triệu người, gần một phần ba trong số đó sống dưới mức nghèo đói của cả nước.

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp &PTNT Hà Công Tuấn cho biết “Chương trình Giảm phát thải của Việt Nam là bước tiếp theo của giai đoạn chuẩn bị để chúng ta sẵn sàng tham gia vào thỏa thuận chi trả giảm phát thải, tiến tới triển khai toàn diện dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam. Thỏa thuận này là thành quả của sự hợp tác giữa Việt Nam, Quỹ FCPF và WB trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu đã đề ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris. Chương trình này sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung quan trọng để đầu tư vào rừng và giảm mất rừng trong khi vẫn tạo ra thu nhập cho các chủ rừng và nâng cao phát triển bền vững ở khu vực Bắc Trung Bộ.”

“Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện các chương trình hành động giảm phát thải rừng trên quy mô lớn,” bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. “Thỏa thuận này đánh dấu sự khởi đầu một chương mới đối với Việt Nam. Từ đây Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp khuyến khích mới nhằm bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng quản lý rừng, qua đó giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của mình.”

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia thứ năm trên thế giới đạt được thỏa thuận quan trọng này với Quỹ FCPF. Các Thỏa thuận Chi trả Giảm phát thải là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý đất đai bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài trợ khác về khí hậu. Nguồn tài chính từ Quỹ FCPF mang tới cơ hội bảo tồn và tái thiết cảnh quan rừng và đa dạng sinh học đồng thời hỗ trợ sự phát triển kinh tế bền vững, một yếu tố vô cùng quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam.

Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) là quỹ hợp tác toàn cầu của các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức của người bản địa tập trung vào việc giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các-bon rừng ở các nước đang phát triển, các hoạt động thường được gọi là REDD+. Từ khi Quỹ được thành lập vào năm 2008, FCPF đã làm việc với 47 quốc gia đang phát triển trên khắp Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, cùng với 17 nhà tài trợ đã đóng góp và cam kết với tổng trị giá 1,3 tỷ USD.