ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bền vững tại WEF

09/ 02/ 2015

Nằm trong các hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 45 ở Davos (Thụy Sĩ), Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cùng một số cán bộ đầu ngành ngày 23/1/2015 đã tham dự Đối thoại cấp cao của Phiên họp “Chương trình nghị sự An ninh lương thực toàn cầu”. Phiên họp thu hút sự tham gia hơn 1.000 nhà lãnh đạo trong 300 tổ chức và quốc gia trên thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự Phiên họp “Chương trình nghị sự An ninh lương thực toàn cầu.” (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Phiên họp tập trung vào các mục tiêu phát triển bền vững mới, các cam kết loại trừ nạn đói, hướng tới phát triển hệ thống lương thực bền vững, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và kinh tế của số dân ngày càng tăng trong khi phải đảm bảo giữ các nguồn tài nguyên bền vững.

Cũng tại phiên họp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thông báo cam kết của Việt Nam cùng thế giới thực hiện chương trình an ninh lương thực toàn cầu thông qua triển khai sáng kiến “Không còn nạn đói”, hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các chương trình an ninh lương thực cho các nước châu Phi, Mỹ La Tinh và châu Á thông qua các chương trình hợp tác song phương hoặc hợp tác Nam-Nam.

Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 45 ở Davos (Thụy Sĩ)

Tại phiên họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề cập đến việc phát triển sáng tạo và bền vững ngành nông nghiệp của Việt Nam. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là cơ hội tốt để Việt Nam chia sẻ các ưu tiên trong nông nghiệp Việt Nam với các nhà lãnh đạo toàn cầu; chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình có nhiều đối tác tham gia như các Nhóm công tác PPP (Public-Private Partnership); nhấn mạnh vào kết quả đạt được từ các hoạt động trong các chuỗi giá trị và sáng kiến mô hình hợp tác công tư được nâng lên tầm khu vực với tên gọi “Grow Asia,” qua đó đóng góp vào an ninh lương thực toàn cầu./.(HH.ICD/MARD)