ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Nông nghiệp Việt Nam nổi bật tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới

21/ 01/ 2014

Theo chương trình nghị sự, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát sẽ có bài diễn văn quan trọng tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2014 tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ trong tuần này.

Báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy sản xuất nông nghiệp cần được thúc đẩy nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực của dân số toàn cầu đang ngày càng tăng, ước tính dân số sẽ đạt 10 tỉ người dân vào năm 2050.

Lực lượng lao động nông thôn đang có xu hướng suy giảm, đó là hệ quả của tốc độ đô thị hóa nhanh, gây ra mối đe dọa lớn cho ngành nông nghiệp. Thêm vào đó, hệ thống lương thực toàn cầu đang phải đối mặt với những rủi ro và thách thức nghiêm trọng; sản xuất và giá thành không ổn định, mức độ đói nghèo tăng cao và các thực tiễn canh tác thiếu bền vững.

Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2010 về khu vực Đông Á diễn ra tại TP Hồ Chí Minh đã đưa ra sáng kiến “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp”, hướng tới xây dựng mô hình canh tác mới đem lại sản lượng cao và cải thiện sinh kế nông dân.

Sáng kiến này đã được thực hiện tại Việt Nam, Indonesia và Myanmar (tại Châu Á) với sự hợp tác của 250 bên liên quan.

Việt Nam sống dựa vào sản xuất nông nghiệp như sản xuất lúa gạo, cà phê, cao su, chè, tiêu, trái cây, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi, là những sản phẩm chủ chốt. Năm 2012, nông nghiệp đóng góp 21,5% tổng GDP toàn quốc, 20,8% doanh thu xuất khẩu và gần 50% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu, lãng phí nguồn nước và mức độ phát thải khí nhà kính cao.

Sách trắng của Phòng Thương mại Châu Âu cho thấy tỉ lệ của ngành nông nghiệp đóng góp cho GDP giảm từ 46.3% năm 1988 xuống còn 22% năm 2012, và tỉ lệ lao động nông thôn cũng giảm từ 67% năm 1997 xuống còn 47,5% năm 2011.

Trong thư chúc mừng năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra quan ngại về những vấn đề yếu kém của ngành nông nghiệp, bao gồm tỉ lệ tăng trưởng hàng năm sụt giảm, các mối liên kết không được phối hợp hiệu quả và sản lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt.

Thủ tướng nhấn mạnh cần phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng dụng kỹ thuật, lấy nông dân làm trung tâm.

Chính phủ đã thông qua chiến lược phát triển nông nghiệp 10 năm, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.

Ngành nông nghiệp đã thành lập 6 nhóm công tác về hải sản, cà phê, rau quả, chè, đậu nành và ngô, kèm theo đó là các giải pháp hỗ trợ nhằm thực hiện được các sáng kiến của Diễn đàn kinh tế thế giới.

Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ sau khi thực hiện sáng kiến trong 3 năm vừa qua. Sản lượng cà phê tăng 10%, lượng nước tiêu thụ giảm 15%, giảm phát thải khí nhà kính xuống còn 54% và sản lượng xuất khẩu chè tăng gấp 3 lần.

Trong diễn văn chúc mừng năm mới, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong quản lý và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn.

Thiết lập những mô hình liên kết hợp tác mới giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu dùng và thu hút thêm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp.

Việc ban hành Nghị định của Chính phủ và có hiệu lực ngày 10/02/2014 sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi trong đó bao gồm chính sách giảm hoặc miễn thuế thuê đất.

(TTXVN)