ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Lễ Kỷ niệm Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 2 năm 2018

11/ 12/ 2018

Từ ngày 09-11/12, tại thị xã Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam tổ chức Lễ Kỷ niệm “Ngày cà phê Việt Nam” lần thứ 2 năm 2018 với chủ đề “Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam”.

Ảnh: Ngày Cà Phê Việt Nam lần thứ 2

Ngoài các doanh nghiệp trong nước, sự kiện còn có sự tham gia của 33 tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức với nhiều sự kiện quan trọng như: hội chợ triển lãm gồm 53 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm cà phê chất lượng cao đến từ các vùng miền sản xuất cà phê nổi tiếng của Việt Nam; Hội thảo phát triển cà phê Việt Nam bền vững; Diễn đàn Giao thương kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước, các nhà nhập khẩu cà phê nước ngoài; Hội thảo phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên...

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Lê Quốc Doanh, sau năm 1975, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương phát triển mạnh cây cà phê, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Hiện cả nước có trên 664.000 ha cà phê với năng suất bình quân trên 2,5 tấn/ha, sản lượng cà phê nhân năm 2017 đạt 1,5 triệu tấn, xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD. Để ghi nhận đóng góp của ngành cà phê, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 10/12 hàng năm là “Ngày cà phê Việt Nam”, đồng thời bổ sung mặt hàng cà phê vào danh mục các nông sản chủ lực của quốc gia. Do đó, việc tổ chức thường niên “Ngày cà phê Việt Nam” đã trở thành sự kiện quan trọng, thiết thực nhằm quảng bá, tôn vinh giá trị và hình ảnh cây cà phê Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội để kết nối, mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê và thúc đẩy sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam.

Ông Jose Sette, Chủ tịch Hiệp hội cà phê thế giới cũng cho rằng, ngành cà phê Việt Nam phát triển nhanh, trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thị trường quốc tế; nông dân sản xuất theo quy trình và làm giàu từ cà phê ngày càng nhiều. Mặc dù vậy, việc phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam cũng bộc lộ nhiều thách thức, trong đó sự thiếu bền vững trong chuỗi giá trị. Ông nhấn mạnh nông dân là trung tâm của chuỗi cung ứng tuy nhiên giá trị gia tăng cho nông dân và các bên tham gia chưa nhiều. Việt Nam cần có sự sáng tạo hơn, đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm ra thị trường thế giới.