ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Đánh giá kết quả chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2020

01/ 11/ 2019

Sáng ngày 31/10/2019, tại Thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị “Đánh giá kết quả tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 và định hướng thời gian tới”. Chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN & PTNT ông Lê Quốc Doanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ông Y Giang Gry Niê Knơng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ông Phạm S.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị còn có đại diện các cơ quan Trung ương như Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ tài chính, Ngân hàng Nông nghiệp, Tổng cục Thông kê cùng đông đủ đại diện đến từ các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT như: Vụ kế hoạch, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến và PTTTNS, Cục KTHT và PTNT, Trung tâm khuyến nông QG, Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Tổng Công ty cà phê VN, Viện Khoa học Nông nghiệp VN, Viện KHKTNN miền Nam, Viện KHKTNLN Tây Nguyên, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Nông hóa thổ nhưỡng, Viện Chính sách và PTNNNT, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp. Đại diện các cơ quan địa phương của 5 tỉnh Tây Nguyên cũng đến tham dự đông đủ như Sở NN&PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật Trung tâm khuyến nông tỉnh và các Ban quản lý dự án VnSAT 5 tỉnh Tây nguyên.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ đầu tư dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), cho biết “Hiện nay, các hoạt động chính được triển khai tại Hợp phần cà phê của dự án gồm: (i) Đào tạo kỹ thuật cho nông dân canh tác bền vững; (ii) cải thiện các dịch vụ để giúp nông dân tái canh cà phê bền vững, hiệu quả cao; (iii) cải thiện chất lượng dịch vụ công để hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ hiệu quả; và cung cấp tín dụng cho tái canh cà phê. Trong đó hoạt động hỗ trợ tái canh cà phê là hoạt động ưu tiên và quan trọng của dự án. Sau gần 4 năm thực hiện, hoạt động tái canh của dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phát huy được hiệu quả đầu tư của dự án”

Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, thời gian tới cần xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao. Đến năm 2025 tiếp tục duy trì ổn định diện tích 600 ngàn ha; năng suất 2,7-2,9 tấn/ha, sản lượng 1,8-2 triệu tấn/năm.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp &PTNT, đến hết tháng 9/2019, cả nước có 20 tỉnh trồng cà phê, tỉnh nhiều nhất là Đắk Lắk với gần 210.000 ha, Lâm Đồng trên 170.000 ha và Đắk Nông khoảng 130.000 ha. Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất cà phê tập trung chính của cả nước. Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới; trong đó đứng thứ nhất thế giới nhiều năm liền về sản xuất và xuất khẩu cà phê vối.

Trong giai đoạn 2014 - 2020, tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên (tính đến tháng 6/2019) là 118.202 ha, đạt trên 98,5% kế hoạch; trong đó diện tích tái canh là 84.165 ha, diện tích ghép cải tạo là 34.037 ha (chủ yếu tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông). Tỉnh Lâm Đồng tái canh lớn nhất với trên 58.200 ha, Đắk Lắk gần 29.000 ha, Đắk Nông trên 16.400 ha; Gia Lai gần 12.000 ha, Kon Tum gần 2.800 ha...

Để tái canh cà phê bền vững, Dự án VnSAT đã tham gia tổ chức đào tạo, tập huấn của dự án đã thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra: với 19.614 hộ nông dân, 19.322 ha được đào tạo, tập huấn các giải pháp kỹ thuật nhằm tái canh bền vững và thích ứng biến đổi khía hậu. Diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng về năng suất và chất lượng cà phê nhân, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp & PTNT, đến 2025 tiếp tục duy trì ổn định diện tích 600.000 ha; năng suất 2,7-2,9 tấn/ha, sản lượng 1,8-2 triệu tấn/năm; tiếp tục tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi, phấn đấu đến 2025 tái canh và ghép cải tạo thêm từ 30.000 – 40.000 ha…