ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Kết nối nông sản là kết nối được con người

01/ 09/ 2021

Sáng 31/8, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và PTNT (NN&PTNT), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chủ trì Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tham gia diễn đàn trực tuyến có đầu cầu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản

Mục đích của Diễn đàn là để hình thành, kết nối các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... Qua đó, tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân.

Thay mặt Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi lời cảm ơn đến các thành viên Tổ công tác 970. Bộ trưởng cho biết, khi Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng Tổ công tác 970 vào nhận nhiệm vụ trong miền Nam, Bộ NN&PTNT sớm xác định ưu tiên số một là đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản của các tỉnh phía Nam. Qua quá trình công tác thực tế, Bộ sẽ tranh thủ quan sát từ sản xuất, cung ứng đến vận hành thị trường. Từ đó, ngành nông nghiệp sẽ nảy sinh những ý tưởng về điều hành, quản lý nông nghiệp.

Khuyến khích nền sản xuất có trách nhiệm

Mở đầu phần phát biểu của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết ông đánh giá rất cao ý tưởng của Tổ công tác 970, nay ý tưởng này đã trở thành đề cương hoạt động. Dù Tổ công tác phải hoạt động trong vùng rất khó khăn, nhưng nay đã đưa ý tưởng vào thực hiện rất hiệu quả. Thứ trưởng Doanh đề nghị tiếp tục duy trì ý tưởng này, vừa kết nối, vừa xúc tiến tiêu thụ sản phẩm

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kêu gọi xây dựng diễn đàn kết nối thành kênh hiệu quả

“Xu thế này là tất yếu”, ông Doanh khẳng định. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng “vạn sự khởi đầu nan”, song cần vừa làm vừa hoàn thiện. Vì việc kết nối nông sản vừa phục vụ người tiêu dùng, vừa thúc đẩy sản xuất, khuyến khích nền sản xuất có trách nhiệm, lấy người dân làm trung tâm như chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

“Không chỉ là giá trị đơn thuần của sản phẩm, nó còn mang giá trị nhân văn, lịch sử. Chúng ta cần cố gắng xây dựng diễn đàn này thành kênh hiệu quả”, Thứ trưởng Doanh cho biết.

Tiền đề để ngành nông nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, trước những bối cảnh, tình thế mà dịch Covid-19 làm xáo trộn quy trình sản xuất tiêu thụ, năng lực phản ứng của Bộ NN&PTNT rất nhạy bén để có những hành động kịp thời, quyết liệt.

“Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã thành lập 2 Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, cung ứng nông sản phía Nam và phía Bắc. Tổ công tác 970 phía Nam của Bộ đã chỉ đạo, hành động quyết liệt, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, đảm bảo nhu cầu của người dân các tỉnh thành phía Nam trong điều kiện dịch bệnh phức tạp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Lãnh đạo Bộ cũng cho rằng đó là tiền đề để ngành nông nghiệp nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh mới. Qua đó công tác sản xuất hàng hóa quy mô cao được đẩy nhanh, nâng cao giá trị nông sản, khơi thông chuỗi cung ứng kép: chuỗi trong nước và chuỗi quốc tế.

Kết nối nông sản là sẽ kết nối được con người

Cho đi rồi sẽ nhận lại. Tạo hạnh phúc cho người nông dân, chúng ta sẽ nhận được nụ cười mỗi tối trước khi đi ngủ. Bên cạnh Tổ công tác 970, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi lời tri ân đến các đơn vị liên quan đã tham gia vận hành cùng Tổ công tác, để tạo ra một diễn đàn đặc biệt, giàu cảm xúc như sáng nay.

"Thương mại điện tử (TMĐT) là xu thế của thời đại công nghệ 4.0. Tôi tin rằng, diễn đàn này khác biệt với các trang TMĐT hiện tại. Nó nằm ở chiều sâu, không chỉ dừng ở thời điểm dịch bệnh hiện tại, mà còn tồn tại, song hành với quá trình vận hành của nền nông nghiệp Việt Nam", Bộ trưởng nói.

Với sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, chúng ta hy vọng sẽ chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng dựa trên đơn giá trị thành đa giá trị, đồng thời lấy thị trường làm chuẩn mực cho điều hành sản xuất, quản lý.

Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản không đơn thuần là giúp doanh nghiệp tìm được nguồn hàng, mà còn giúp các cơ quan nhà nước thay đổi phương thức quản lý, lãnh đạo điều hành từ địa phương cho đến cả nước. Trên cơ sở ấy, ngành nông nghiệp sẽ có những việc làm sát ruộng vườn của bà con, sát với đời sống xã hội nông thôn. Đó chính là ý nghĩa của việc kích hoạt toàn bộ xã hội.

Một trong những thành công của Tổ công tác 970 thời gian qua, là sáng kiến thành lập túi nông sản 10kg. Nếu lấy sản lượng để so sánh, chừng ấy chưa thấm gì so với tổng cung – cầu của nông sản miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, ý tưởng ấy sẽ tạo ra làn sóng, khơi dậy một phương thức kinh doanh mới. Nó gợi mở những cách thức vận hành đời sống theo cách khác, không chỉ bởi dịch bệnh, mà cao hơn là thích nghi với cuộc cách mạng 4.0, cách mạng chuyển đổi số đang len vào từng ngõ ngách cuộc sống.

Vai trò kết nối thông tin, dữ liệu giữa người sản xuất và tiêu thụ trên thị trường là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đó lại là nhược điểm chung của ngành nông nghiệp, khi hầu hết chúng ta đều mù mờ về thông tin, dữ liệu, hai bên mua bán không gặp nhau từ kết nối, chất lượng, đến giá cả. Đây là lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, để cùng nhau vượt qua.

Qua diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản hôm nay, chúng ta cần bắt tay sớm vào công việc. Thứ nhất, chúng ta cần một suy nghĩ, một hành động khác để tạo ra một kết quả khác. Trong hôm nay, kết quả ấy hội tụ vào việc tạo ra diễn đàn này. Đó là một giá trị lớn, khác hẳn với các sàn TMĐT hiện có.

Nhiệm vụ sắp tới, là không chỉ dừng các kết quả ở miền Nam, không thể hài lòng trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, mà cần nhân rộng mô hình ra cả nước. Nếu như trước đây, nhắc đến nông sản là người ta nghĩ đến giải cứu, giờ chúng ta phải thay đổi. Nông sản là phải nâng niu. Tất cả, từ người sản xuất, tiêu dùng, đến doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng thay đổi, để thay đổi, phát triển hình ảnh, chất lượng, giá trị của nông sản

Thứ hai, là thông qua diễn đàn, chúng ta sẽ hình thành được một hệ sinh thái nông nghiệp. Mọi thành viên phải quần tụ, để bổ sung sức mạnh lẫn nhau, cùng chung tay về nông sản, nông dân Việt. Tôi tin, không gì chúng ta không làm được, nếu có một sản phẩm đảm bảo từ chất lượng, giới thiệu đến quảng bá hình ảnh.

Thứ ba, là kích hoạt tư duy của tam giác phát triển: Nhà nước – thị trường – xã hội. Trong đó, cơ quan quản lý, các ngành hàng, và người nông dân sẽ là chỗ dựa, giúp kết nối phát triển nền nông nghiệp.

Ở đây, chúng ta cần lưu ý, rằng tinh thần hợp tác công tư, không chỉ dừng ở khía cạnh nguồn vốn, mà còn bao hàm cả những  ý tưởng, sáng kiến. Làm sao để chúng ta kết hợp, hội tụ được nhiều ý kiến, để nguồn lực ấy không chỉ dừng ở ngân sách Chính phủ cấp cho Bộ NN&PTNT, mà còn nằm ở xã hội, ở người nông dân.

Thứ tư, là tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Chỉ khi nào chuyển biến triệt để vấn đề này, nền nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị giá tăng. Một suy nghĩ nữa cần thay đổi, là khâu phân phối, kết nối cũng tạo ra giá trị, chứ không chỉ nằm ở người sản xuất. Trong bối cảnh đứt gãy hiện nay, nếu không có lưu thông, phân phối, công sức của nông dân cũng khó lòng tạo ra giá trị cao. Nông dân là người làm ra của cải, nhưng chỉ duy trì phát triển nếu có thêm giá trị từ người kinh doanh.

Tôi coi diễn đàn như một nơi thu thập ý kiến của doanh nghiệp. Qua đó, Bộ NN&PTNT có thể nghiên cứu sâu thêm về các chuỗi giá trị, như hệ thống kho vận, logistics, đồng thời nghiên cứu sâu thêm về phát triển thị trường nội địa. Trước đây, chúng ta chỉ nghĩ đến xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng giờ hợp tác công tư còn phải tận dụng cả năng lực sẳn xuất của nông dân để phát triển thị trường.

Thứ năm, là tích hợp thêm giá trị vào nông sản Việt, vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Chúng ta cần chuyển từ nông sản hữu hình đến các giá trị vô hình như văn hóa, lịch sử, hay những câu chuyện kể về nông sản. Lấy đó làm những động lực mới, tư tưởng mới cho người nông dân.

Thứ sáu, là tạo thị trường thông suốt từ Bắc - Nam, tạo thuận lợi luân chuyển vùng miền, trải rộng vùng không gian phát triển sang thị trường 100 triệu dân. Làm thế nào để kích hoạt dòng chảy nông sản, tạo ra cú hích cho những sản phẩm chất lượng như OCOP.

"Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người. Chúng ta cần trân quý những người tạo ra giá trị cho nông sản Việt. Đó là giá trị chiều sâu của diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản này, cũng là phương hướng chúng ta phải đi", Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận./.