ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Xuất khẩu nông sản đạt hơn 23 tỷ USD

05/ 08/ 2019

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng năm 2019 ước đạt hơn 23 tỷ USD; tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này đạt khoảng 18 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu trong 7 tháng qua ước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng năm 2019  các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 3,55 tỷ USD; trong đó, nông sản chính ước đạt 1,64 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 893 triệu USD, thuỷ sản ước đạt 785 triệu USD, sản phẩm chăn nuôi ước đạt 63 triệu USD.

Lũy kế 7 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2018; có 8 nhóm sản phẩm đạt kim ngạch XK  trên 1 tỷ USD.

Cụ thể, nhóm nông sản chính ước đạt 10,84 tỷ USD với 5 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu  trên 1 tỷ USD là: cà phê đạt 1,8 tỷ USD, cao su đạt 1,1 tỷ USD, gạo đạt 1,73 tỷ USD, hạt điều đạt gần 1,8 tỷ USD, rau quả đạt 2,3 tỷ USD. Mặc dù nhiều sản phẩm có khối lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như cao su, gạo, điều, tiêu nhưng do giá xuất khẩu một số sản phẩm giảm sâu như điều, tiêu, cà phê, gạo nên kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản vẫn giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu ước đạt 388 triệu USD, tăng 6,3%. Thủy sản xuất khẩu ước đạt 4,68 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó cá tra ước đạt 1,16 tỷ USD (giảm 3,2%), tôm các loại ước đạt 1,73 tỷ USD (giảm 10,4%). Lâm sản chính xuất khẩu ước đạt gần 6,01 tỷ USD, tăng 17,3%.

Cục Chế biến và Thị trường nông sản -Bộ Nông nghiệp &PTNT- cũng đưa ra một số lưu ý. Trong đó, về ngành hàng rau quả, nhiều loại trái cây trong nước như sầu riêng, mít đã tăng giá trở lại do thương lái Trung Quốc đẩy mạnh thu mua, do nhu cầu tiêu dùng trái cây tươi tại Trung Quốc đang tăng cao. Các thương nhân, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu để giải phóng nguồn cung đang vào chính vụ.

Về ngành hàng điều, trong bối cảnh giá điều thô nhập khẩu có xu hướng tăng trong tương lai và giá điều nhân xuất khẩu diễn biến thất thường, các doanh nghiệp chế biến điều không nên ký hợp đồng tương lai khi không có lãi hoặc chưa có dự trữ điều thô trong kho.

Về chăn nuôi, giá thịt lợn hơi đang có xu hướng tăng cao do nguồn cung đang cạn dần bởi tác động của dịch tả lợn châu Phi. Người chăn nuôi cần chú ý các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của thú y cơ sở, chỉ tăng đàn khi đã đảm bảo các điều kiện về phòng bệnh.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp &PTNT, tháng 7/2019, giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp ước đạt 2,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 7 tháng đạt khoảng 18 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhập khẩu các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 15,1 tỷ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm ngoái.