ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đạt hơn 16 tỷ USD

31/ 05/ 2019

Theo thống kê, tháng 5/2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước đạt 3,62 tỷ USD. Lũy kế 5 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 16,1 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông lâm thuỷ sản (NLTS) của tháng 5, nông sản chính ước đạt 1,67 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 959 triệu USD, thuỷ sản ước đạt 728 triệu USD, sản phẩm chăn nuôi ước đạt 58 triệu USD.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch XK NLTS ước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ, trong đó nhóm hàng nông sản chính ước đạt khoảng 7,7 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ.

Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như: Cao su đạt 662 triệu USD (+2,4%); chè đạt 79 triệu USD (+30%); rau, quả ước đạt 1,8 tỷ USD (+10,3%).

Một số mặt hàng có khối lượng XK tăng nhưng giá trị XK giảm như: Hạt điều khối lượng xuất khẩu tăng 7,9%, giá trị đạt 1,2 tỷ USD (-14,9%); hạt tiêu khối lượng tăng 33,2%, giá trị đạt 372 triệu USD (-2,4%)...

Các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 255 triệu USD, tăng 4%.

Mặt hàng thủy sản ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ; trong đó cá tra ước đạt 795 triệu USD tương đương cùng kỳ, tôm các loại ước đạt 1,1 tỷ USD.

Mặt hàng lâm sản chính ước đạt gần 4,25 tỷ USD, tăng 19,6%; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt hơn 4 tỷ USD (+18,7%), sản phẩm mây, tre, cói 191 triệu USD (+43%).

Cũng theo Bộ NN&PTNT, 5 tháng, giá trị nhập khẩu nông lâm sản và vật tư nông nghiệp ước đạt 12,8 tỷ USD. Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại của các mặt hàng NLTS XK vẫn thặng dư khoảng 3,3 tỷ USD.

Đánh giá tình hình chung, kết quả sản xuất ngành nông nghiệp tháng 5 và 5 tháng qua cho thấy xuất hiện nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành năm 2019, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 như kịch bản tăng trưởng đã đề ra từ 2,7% đến 2,85% cần có sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, thúc đẩy phát triển những lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng. Cụ thể, trồng trọt phấn đấu giữ năng suất, sản lượng lúa như năm 2018; tiếp tục tăng sản lượng rau và cây ăn quả có thị trường tiêu thụ để đạt giá trị sản xuất trồng trọt tăng từ 1,8% đến 2%.

Chăn nuôi tăng sản lượng gia cầm và trứng lên trên 10% đáp ứng nhu cầu người dân cho thực phẩm thay thế thịt lợn; tăng sản lượng bò...

Thủy sản tiếp tục tăng sản lượng, đạt bằng hoặc vượt mức tăng trưởng năm 2018 (6,5%), trong đó tăng sản lượng nuôi trồng lên trên 7%, đặc biệt là tôm nước lợ và cá tra.

Lâm nghiệp tăng giá trị sản xuất từ 6% lên trên 8%, trong đó tập trung tăng sản lượng gỗ khai thác đáp ứng nhu cầu chế biến của ngành gỗ./.